Doanh nghiệp còn “thờ ơ” với danh hiệu văn hóa

Thứ tư, ngày 02/10/2019

(BDO) Doanh nghiệp (DN) đạt chuẩn văn hóa là những DN thực hiện đúng, đủ các tiêu chí đưa ra. Trong các tiêu chí bình xét có rất nhiều quy định bắt buộc DN phải thực hiện để đem lại quyền lợi cho người lao động (NLĐ), NLĐ cũng phải nỗ lực lao động, sáng tạo để chung tay đưa DN phát triển. Việc đăng ký danh hiệu văn hóa là việc nên làm, thế nhưng hiện nay vẫn còn một số DN “thờ ơ”.

 Ban Giám đốc Công ty TNHH Pungkook Sài Gòn III tặng áo mưa cho NLĐ

 Hiệu quả kép từ danh hiệu văn hóa

Nhiều năm qua, Công ty TNHH Primacy Việt Nam (TX. Bến Cát) đều đặn đăng ký và đạt danh hiệu “DN đạt chuẩn văn hóa”. Để làm được điều đó, Ban Giám đốc công ty và Ban Chấp hành công đoàn đã có những buổi thảo luận đưa ra giải pháp thực hiện. Trong bộ tiêu chí chấm điểm danh hiệu, công ty lựa chọn những vấn đề quan tâm nhất để thực hiện, từ đó kéo theo những tiêu chí khác cũng đạt số điểm cao. Công ty lựa chọn tiêu chí “Hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ” là nhiệm vụ trọng tâm. Khi NLĐ hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm mặt hàng xuất khẩu, công ty sẽ có thưởng, tăng các chế độ phúc lợi, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi để “vốn quý” an tâm gắn bó với DN. Công ty phát động NLĐ thực hiện tiêu chí “Thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa DN” qua việc chung tay bảo vệ môi trường, dọn dẹp khuôn viên DN xanh, sạch, đẹp. Ông Trần Đức Hùng, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, công ty hiện có hơn 700 cán bộ, NLĐ. Ban Giám đốc công ty thường xuyên nói chuyện với NLĐ và nhắc nhở họ cùng nhau thực hiện khẩu hiệu “Một người văn hóa là người có ứng xử tốt”. Nhờ đó, NLĐ đều ý thức cao trong việc tham gia cùng công ty thực hiện các tiêu chí bình xét danh hiệu văn hóa.

Với một DN có hơn 2.600 lao động để kêu gọi chung tay thực hiện và đạt danh hiệu văn hóa là điều không dễ dàng. Thế nhưng Ban Giám đốc, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Pungkook Sài Gòn III (TX.Thuận An) đã thực hiện và nhiều năm liền đạt danh hiệu văn hóa. Ông Nguyễn Văn Toại, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết một trong những vấn đề công ty đặt ra và quan tâm đó là chăm lo đời sống cho NLĐ. Ngoài tổ chức hoạt động vui chơi, chế độ lương thưởng, công ty còn vận động mọi người chung tay “lá lành đùm lá rách”. Mỗi năm, công ty tiếp nhận hàng trăm triệu đồng từ những NLĐ hỗ trợ cho những trường hợp khó khăn. Đầu năm 2019 đến nay, công ty tiếp nhận khoảng 150 triệu đồng giúp cho những trường hợp NLĐ mắc bệnh hiểm nghèo. “Khi đăng ký danh hiệu văn hóa từ cán bộ đến NLĐ đều chung tay thực hiện và đem lại hiệu quả”, ông Toại nói.

Đơn giản hóa các thủ tục, tiêu chí

Đăng ký và thực hiện đạt danh hiệu văn hóa sẽ là “sợi dây vô hình” giúp DN chăm lo tốt cho NLĐ và ngược lại NLĐ cũng sẽ hết mình vì sự phát triển của DN. Để DN đăng ký, hàng năm, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ chủ chốt và cán bộ phụ trách. Thế nhưng hiện nay, số DN đăng ký danh hiệu này còn khá ít. Theo thống kê, khối DN đăng ký chỉ có 513/2.738 (đạt 18,7%), kết quả trung bình 90% DN đạt chuẩn văn hóa. Số lượng khối DN đăng ký ngày càng có xu hướng giảm.

Nguyên nhân được LĐLĐ tỉnh phân tích, chủ yếu do chưa có chế tài buộc DN phải thực hiện. Từ khi có Thông tư 08/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì ở tỉnh khó khăn trong việc tổ chức, quản lý, hướng dẫn, công nhận đối với các DN trong các khu công nghiệp, do đặc thù có nhiều khu công nghiệp, hình thức quản lý sản xuất theo khu, có công đoàn và Ban Quản lý khu công nghiệp riêng nên LĐLĐ huyện, thị, thành phố và cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cấp huyện khó tiếp cận. Các quy định, mức khen thưởng theo quy định chưa khuyến khích được DN hưởng ứng.

Ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh, cho biết LĐLĐ tỉnh đang đề xuất chuyển đổi một số tiêu chí theo 3 nhóm vấn đề chính để DN thực hiện như: Thực hiện nghĩa vụ Nhà nước của DN; DN vì NLĐ; DN với an ninh trật tự. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh cũng góp ý để đơn giản hóa về mặt thủ tục và cách công nhận, khen thưởng thuận tiện hơn; đề xuất tổ chức ngày hội hàng năm dành cho DN văn hóa để họ có động lực tiếp tục tham gia.

Ông Thuận khẳng định, các nội dung trong bản đăng ký đã gắn với chức năng cơ bản của công đoàn nhằm đem lại lợi ích cho NLĐ và DN. Một DN đạt danh hiệu, bảo lưu danh hiệu qua nhiều năm liền đồng nghĩa DN đó uy tín, có nội lực, tiềm năng, hoạt động hiệu quả, chăm lo tốt đời sống vật chất lẫn tinh thần cho NLĐ. Đó cũng là cơ hội để họ cạnh tranh trong thị trường, cũng như ổn định lực lượng lao động.

 4 nhóm tiêu chí chính để xét danh hiệu “DN đạt chuẩn văn hóa”, gồm: Hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa DN; Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của NLĐ; Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 THIÊN LÝ