Doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực di dời, phục vụ tái thiết lập đô thị
(BDO) Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) nỗ lực sắp xếp khu sản xuất đáp ứng chủ trương chuyển đổi công năng, di dời nhà máy sản xuất công nghiệp ở phía Nam vào các cụm công nghiệp (CCN), khu công nghiệp (KCN) phía Bắc nhằm mở rộng dư địa cho phát triển của tỉnh và đầu tư theo hướng bền vững.
Chuẩn bị kỹ phương án
Cộng đồng DN tỉnh xác định việc di dời các DN nằm ngoài khu, CCN phía Nam lên phía Bắc là định hướng lớn của tỉnh để tái thiết các đô thị trung tâm, xây dựng Bình Dương theo hướng phát triển bền vững, đô thị thông minh. Trong đó, các DN không đạt 3 tiêu chí gồm quy hoạch, môi trường, phòng cháy và chữa cháy đã chuẩn bị phương án để di dời theo lộ trình. Đối với cộng đồng DN, ngay từ bây giờ đã chuẩn bị nguồn lực để di dời nhà máy sản xuất.
Sản xuất gốm sứ tại Công ty Lâm Thành Phát (TP.Tân Uyên)
Ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long cho biết: “Công ty sẽ di dời vào KCN Nam Tân Uyên, nơi có hệ sinh thái ngành xuất khẩu gỗ phát triển để thuận lợi trong việc sản xuất, vận chuyển hàng hóa, tuyển dụng công nhân lao động. Nơi đây cũng có hệ thống phòng cháy, chữa cháy, môi trường được đầu tư nên chúng tôi yên tâm sản xuất, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng...”.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương chia sẻ: “DN gốm sứ chúng tôi chấp hành chủ trương di dời của tỉnh và mong muốn được ưu tiên quỹ đất tại các vùng có tài nguyên đất đai để thuận lợi trong việc sản xuất, đảm bảo nguồn lực sản xuất, không đứt gãy đơn hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn có chính sách hỗ trợ đặc thù ngành gốm sứ đến với các khu sản xuất mới”.
Đối với nguồn lực đất đai cũ, lãnh đạo Sở Công Thương khẳng định, việc chuyển đổi công năng các khu sản xuất khu vực phía Nam nằm trong định hướng quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của tỉnh. Bình Dương sẽ tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình công nghiệp mới, gắn liền với mạng lưới công nghiệp của vùng Đông Nam bộ. Tỉnh đẩy mạnh phát triển một hệ sinh thái kiểu mới: Mô hình phát triển mới, bổ sung cho mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Đó là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các KCN thông minh, đô thị thông minh sinh thái, bền vững, phát triển lấy bền vững làm trọng tâm, hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Tỉnh tiếp tục nâng cấp mô hình phát triển công nghiệp nhằm từng bước rời xa thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai. Việc chuyển đổi mô hình phát triển từ công nghiệp - đô thị - dịch vụ sang các mô hình phát triển mới gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn một: phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ thông minh bền vững, xây dựng và nâng cấp các KCN hiện hữu trở thành các KCN thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như: IoT, BigData... để giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh.
Hình ảnh CCN Tam Lập 2, huyện Phú Giáo
Giai đoạn hai sẽ phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ quốc tế, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ. Tỉnh xây dựng các KCN gắn liền với khoa học và công nghệ thu hút các viện, trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số nhằm thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Hiện nay, tỉnh nỗ lực đa dạng hóa loại hình giao thông phục vụ vận chuyển hàng hóa cần được nghiên cứu đầu tư nhằm hoàn thiện chuỗi logistic phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Việc này nhằm đưa Bình Dương trở thành trung tâm hậu cần cho toàn vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên và Tây Nam bộ, kết nối vào hạ tầng vận chuyển đường sắt quốc gia.
Chuẩn bị nguồn lực di dời
Để chuẩn bị nguồn lực hỗ trợ di dời, tỉnh Bình Dương đã quy hoạch 33 KCN, CCN để phục vụ cho việc di dời. Các KCN và CCN này sẽ được phát triển kèm theo hạ tầng xã hội và hệ thống giao thông đầu tư đầy đủ, đảm bảo khi di chuyển nhà máy tới bất cứ đâu thì vận chuyển hàng hóa tới cảng không quá 1 tiếng đồng hồ.
Hiện nay, tỉnh đang chuẩn bị đất sạch, quy hoạch các CCN, KCN để tạo mặt bằng cho DN di dời nhà máy. Trong năm 2024, Bình Dương đã chính thức khởi công xây dựng CCN An Lập tại xã An Lập, huyện Dầu Tiếng có quy mô lên đến 75 ha và tổng vốn đầu tư là 450 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành hạ tầng vào tháng 1-2025. Dự án thứ hai vừa mới được tỉnh khởi công là CCN Tam Lập 2 tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo có quy mô 50 ha, vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.
Sản xuất tại Công ty TNHH Hiệp Long (TP.Thuận An)
Với CCN Tam Lập 2, Tập đoàn Gia Định - chủ đầu tư định hướng tập trung thu hút các ngành nghề như may mặc, điện tử, viễn thông, chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, sản xuất kim loại và các sản phẩm nội, ngoại thất. Dự kiến CCN sẽ đưa vào hoạt động vào cuối Quý II-2025. Theo kế hoạch của UBND tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn 2023-2030, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng thêm 10 khu, CCN mới nhằm thu hút đầu tư và phát triển kinh tế địa phương.
Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch tập đoàn Gia Định - chủ đầu tư CCN Tam Lập 2 cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư CCN Tam Lập 5 để đón làn sóng di dời của các DN tại phía Nam. Chúng tôi sẽ có chính sách ưu đãi cho các DN di dời về các phương án môi trường, phòng cháy chữa cháy, hỗ trợ nguồn nhân lực, vấn đề giá thuê đất...”.
Tiểu My - Cẩm Tú