Doanh nghiệp chủ động chuyển đổi số

Thứ hai, ngày 14/11/2022

(BDO) Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số (CĐS) đang dần trở thành xu hướng tất yếu và cần thiết hơn bao giờ hết. Đối với doanh nghiệp (DN), CĐS là “chìa khóa” để tạo sự bứt phá.

 Việc đổi mới công nghệ hiện đại, thực hiện chuyển đổi số được Công ty TNHH Minh Long I xem là chiến lược đột phá. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Minh Long I

 Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05- NQ/TU ngày 19-5- 2022 về CĐS tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng là việc phát triển DN công nghệ số và chuyển đổi các DN truyền thống thành DN số, đẩy mạnh CĐS DN dựa trên nền tảng số, hệ sinh thái DN số trong các ngành, lĩnh vực.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có trên 58.000 DN (đứng thứ 3 cả nước), trong đó số DN nhỏ và vừa chiếm hơn 97%. Gốm sứ là một trong 6 ngành chủ lực của tỉnh, tuy nhiên các DN ngành gốm sứ hiện cũng không tránh khỏi những khó khăn do đại dịch Covid-19 cũng như ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Để tạo sự bứt phá trong sản xuất, kinh doanh trước xu thế 4.0, nhiều DN trong tỉnh đã chủ động lựa chọn CĐS.

Hiện Công ty TNHH Minh Long I là thương hiệu số 1 về gốm sứ gia dụng của Việt Nam. Minh Long I được công nhận là DN khoa học công nghệ từ năm 2015, với hệ thống nhà máy được đầu tư thiết kế, quy hoạch xây dựng một cách khoa học. Hệ thống thiết bị sản xuất tự động hóa khá cao, được nhập khẩu từ các quốc gia có nền sản xuất gốm sứ tiên tiến như Đức, Pháp, Nhật Bản. Dây chuyền tạo phôi của Minh Long I được đánh giá là hiện đại nhất thế giới hiện nay. Trước xu thế công nghiệp 4.0, nhằm tạo thêm bước phát triển, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, Công ty TNHH Minh Long I đã đẩy mạnh công tác CĐS.

Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I, chia sẻ: “Để bắt kịp xu thế, công ty đã đầu tư hệ thống máy móc thiết bị với kỹ thuật hiện đại nhất của Đức. Trước thách thức yêu cầu đòi hỏi công ty phải có sự đột phá, có chiến lược bài bản để tạo “con đường sống mới”, công ty đã làm cuộc cách mạng công nghệ sản xuất đó là sử dụng phương pháp nung 1 lần, sáng chế ra sản phẩm bền, bảo vệ sức khỏe đó là nồi sứ dưỡng sinh, không tiết ra chất độc hại. Bên cạnh đó, là một công ty sớm sử dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa trong quản trị, song song với đổi mới công nghệ sản xuất hiện đại”.

Ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Phước Dũ Long, cho biết từ khi xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine, đơn hàng của các nước châu Âu đã giảm 90%. Để thích ứng và vượt qua những khó khăn, đứng vững trên thị trường, thời gian tới công ty sẽ cắt giảm chi phí, đầu tư công nghệ hiện đại, thực hiện CĐS, làm phòng trưng bày trên không gian mạng, catolo số hóa”.

Các DN ngày nay không thể đứng ngoài xu hướng thay đổi, chuyển từ offline sang online. CĐS là công cụ giúp DN không bị “bỏ lại” trước nhiều thách thức mới. CĐS bao gồm ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và vận hành, chuyển đổi mua - bán trực tiếp sang trực tuyến, từ tiếp thị truyền thống sang kỹ thuật số và các phương thức đổi mới sáng tạo khác. Ông Nguyễn Thái Phú, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại thực phẩm T.P FOOD, TP.Thuận An, cho biết: “Để có thể đứng vững, công ty đã thực hiện CĐS để hoạt động sản xuất hiệu quả, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ”.

Trước yêu cầu tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc tạo sự bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN là hết sức cần thiết. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN nhỏ và vừa cần phải có sự vào cuộc của Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của chính DN và sự hỗ trợ giúp đỡ của các hiệp hội.

 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020 phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định CĐS là “chìa khóa” để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

 PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ