Doanh nghiệp chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp
(BDO) Nối lại sản xuất
Bà Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch phụ trách cung ứng khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn ADIDAS, cho biết rất chia sẻ với khó khăn của Bình Dương trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đồng thời cảm ơn lãnh đạo tỉnh đã tạo điều kiện cho DN trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm vắc xin cho công nhân. Tuy nhiên, theo bà Vân, dịch bệnh đã khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, mô hình “3 tại chỗ” không phù hợp với ngành cần nhiều lao động. Bà Vân mong muốn tỉnh từng bước nới lỏng để DN tái khởi động sản xuất trên cơ sở áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Lãnh đạo các hiệp hội DN trong tỉnh như dệt may, da giày - túi xách, chế biến gỗ… cũng đều mong muốn thống nhất toàn quốc các văn bản quy định về phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện phục hồi sản xuất. Theo Hiệp hội Dệt may tỉnh, từ đầu tháng 7 đến nay, do dịch bệnh nên có rất nhiều nhà máy dệt may phải tạm dừng sản xuất vì không đáp ứng được phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”. DN dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn và mong muốn tỉnh có hướng dẫn cụ thể để khôi phục sản xuất, giúp DN hoàn thành các đơn hàng đã ký kết.
Trong khó khăn do dịch bệnh, nhiều DN trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực duy trì hoạt động. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Thiên Phiên (Cụm công nghiệp Phú Chánh)
Theo ông Lee Jaehong, đại diện Công ty Pungkook Sai Gon 3, hiện nay công ty đã xây dựng phương án trình các ngành để đưa DN trở lại sản xuất nhanh nhất. Theo đó, công ty sẽ từng bước phục hồi sản xuất trên cơ sở đánh giá sức khỏe của gần 300 lao động đang làm việc “3 tại chỗ”, duy trì ổn định số lao động này và tổ chức đón công nhân từ các “điểm xanh” trở lại. Ông Eliseo, Tổng Giám đốc Công ty Tetra Pak Bình Dương (Khu công nghiệp VSIP 2), cho biết: “Tới nay, tất cả cán bộ, công nhân viên tham gia “3 tại chỗ” đều mạnh khỏe, thể hiện quyết tâm bám nhà máy để duy trì sản xuất. Dù thực hiện tốt “3 tại chỗ” song trong điều kiện hiện nay, công ty cũng muốn có hướng dẫn cụ thể của các cấp chính quyền để trở lại trạng thái “bình thường mới”, nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất”.
Triển vọng từ mô hình “3 xanh”
Với lợi thế trở lại “vùng xanh”, ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết hiện nay huyện đang phối hợp chặt chẽ với các khu công nghiệp tổ chức mô hình “3 xanh”. Qua khảo sát, phương án này hoàn toàn có thể thực hiện được với sự chủ động của các DN, sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền. Huyện giao cho từng địa phương sâu sát đến từng khu nhà trọ, phát huy vai trò của tổ dân phố trong việc cùng giám sát đối với DN. Tất cả đều hướng đến mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phục hồi sản xuất, cùng với địa phương giữ vững “vùng xanh”, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện “bình thường mới”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty TNHH Triệu Phú Lộc (xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên), cho biết khi tiến hành khảo sát nhà trọ, công ty vận động các công nhân chung tay thiết lập mô hình “nhà trọ xanh”. Công ty đã thuê đội bảo vệ để giám sát sinh hoạt của công nhân từng khu trọ. Việc bố trí sản xuất cũng theo từng nhóm nhà trọ để dễ dàng kiểm soát trong tình huống có F0 xảy ra. “Tại 21 khu nhà trọ với 900 công nhân, chúng tôi tổ chức đưa đón công nhân đến nơi làm việc, hỗ trợ ăn uống 3 bữa tại nơi sản xuất, tuyệt đối không để công nhân dùng phương tiện cá nhân để di chuyển. Chúng tôi cũng luôn động viên tinh thần công nhân, trong dịch bệnh giữ được sức khỏe, việc làm là trên hết. Công nhân cũng rất ủng hộ các phương án mà công ty đưa ra”, ông Hải chia sẻ.
Ông Lê Hoài Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghiệp KSB (huyện Bắc Tân Uyên), cho biết Ban Quản lý khu công nghiệp đã và đang phối hợp với DN, kết nối với các địa phương thực hiện theo hướng dẫn của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh nhằm tạo điều kiện cho các DN tổ chức tốt các phương án chuyển đổi sản xuất theo mô hình “3 xanh”, giảm thiểu chi phí cho DN, giảm áp lực tâm lý cho công nhân sau thời gian dài thực hiện “3 tại chỗ”. Tùy vào điều kiện của DN sẽ xây dựng quy trình chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho sản xuất.
Theo ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, đến nay trên toàn huyện có 19 DN với hơn 6.600 lao động đăng ký mô hình “3 xanh”. UBND huyện cũng đang khẩn trương tổ chức kiểm tra, thẩm định và phê duyệt phương án sản xuất của các DN muốn trở lại… Trên cơ sở quán triệt kỹ nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, địa phương yêu cầu các công ty phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức xét nghiệm định kỳ cho công nhân…
TIỂU MY