Doanh nghiệp “chạy nước rút”, bảo đảm kế hoạch tăng trưởng

Thứ hai, ngày 31/10/2022

(BDO)

Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực sản xuất để đáp ứng đơn hàng dịp cuối năm. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Đại Hoa (TX.Tân Uyên)

Nỗ lực xoay chuyển, thích ứng

Những tháng cuối năm, rất nhiều DN đang đối diện với các vấn đề khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế - chính trị thế giới. Điều đáng mừng là vẫn có nhiều DN nỗ lực hoàn thành đơn hàng cuối năm, bắt đầu lên kế hoạch cho năm 2023.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Thiên Lộc, cho biết trong khó khăn chung của thế giới, Đại Thiên Lộc vẫn giữ được đơn hàng, giữ vững sản xuất, ổn định đời sống công nhân lao động. “Chúng tôi đang tích cực đầu tư khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững nhằm tăng sức cạnh tranh. Trong giai đoạn nhiều biến động như hiện nay chưa nói trước được điều gì, DN chú trọng nhất là sức cạnh tranh của sản phẩm, khẳng định được vị thế thị trường trong và ngoài nước để trong hoàn cảnh nào chúng tôi đều cố gắng thích ứng”, ông Nghĩa cho biết.

Bằng nỗ lực xoay chuyển cũng như tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA), xuất khẩu giày da đang có bước tăng trưởng tốt, nhất là ở những DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn. Bà Cyndi Chen, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Đại Hoa (TX.Tân Uyên), cho biết: “Công ty đang giữ vững sản lượng 10 triệu đôi giày/năm. Chúng tôi thường xuyên liên hệ với đối tác để nắm vững những yêu cầu thay đổi từ thị trường, đồng thời nỗ lực lớn để bảo đảm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, ổn định đời sống người lao động. Công ty cũng đã có kế hoạch cho năm 2023”.

Với ngành dệt may, để đạt được kế hoạch đặt ra, các DN đã rất nỗ lực và thích ứng nhanh với những thách thức của thị trường. Thời điểm này các DN đang xoay chuyển để duy trì hoạt động. Những DN lớn có đơn hàng dồi dào có xu hướng chia sẻ cho DN thiếu đơn hàng. Một số khác tìm cơ hội ngắn hạn ở thị trường nội địa. Bên cạnh đó, các DN đang thực hiện liên kết để tìm kiếm đơn hàng ở thị trường mới. Chẳng hạn các DN trong nước liên kết với các DN tại Ấn Độ, Pakistan nhằm trao đổi đơn hàng vào các thị trường.

Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, hiện nay, để giữ đơn hàng, giữ thị trường trong bối cảnh lạm phát, DN đã chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng ở phân khúc trung bình. Đồng thời mở rộng thêm kênh online, tạo điều kiện tốt nhất cho người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm.

Những tháng cuối năm, doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, đáp ứng đơn hàng đã ký kết và tiếp nhận thêm đơn hàng mới năm 2023. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing (KCN VSIP I) Ảnh: TIỂU MY

Theo đó, xuất khẩu không chỉ phụ thuộc vào 5 thị trường truyền thống như trước đây là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, mà bắt đầu là chuyển dịch sang Nga và một số nước khác. Thêm vào đó, trong bối cảnh những đơn hàng truyền thống như đồ jean, kaki các loại hoặc đồ thun đều bị thiếu đơn hàng, thậm chí có những DN thiếu trên 35%. Nhưng rất nhanh, các DN bắt đầu chuyển dịch từ hàng dệt kim sang hàng dệt thoi.

Một điểm đáng chú ý khác là các DN ngành cũng thích ứng rất nhanh khi chuyển dịch đầu tư vào công nghệ và tự động hóa để thích ứng được khi cơ cấu mặt hàng có thay đổi. Bên cạnh đó, khi đối mặt với tình trạng đơn hàng giảm, DN đã sắp xếp lại giờ làm. Không tổ chức tăng ca, làm thêm giờ mà chỉ làm theo giờ hành chính hoặc giảm số ngày làm việc trong tuần để bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.

Hỗ trợ DN xuất khẩu

Nhận định về sức cầu hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của quý cuối năm 2022, thời gian qua, Sở Công thương liên tục tạo điều kiện cho các DN tham gia các chường trình kết nối thị trường do Bộ Công thương tổ chức. Qua đó, các DN nắm bắt nhu cầu tiêu dùng ở những thị trường đối tác. Theo phản hồi từ các DN, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới vẫn sẽ gia tăng dịp cuối năm.

Theo ông Lê Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), những tháng cuối năm bộ sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất thông qua hỗ trợ các DN về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Các DN cần tích cực tham gia hội nghị trực tuyến tham tán thương mại tại các quốc gia và vùng lãnh thổ, đối thoại trực tiếp với đại diện hiệp hội và các DN để cập nhật thông tin mới liên quan đến thị trường xuất khẩu.

Hiện các thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam. Cùng với đó là tình trạng yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà DN dệt may Việt Nam đang phải đối mặt. Phía hiệp hội dệt may cũng rất mong muốn có sự hỗ trợ trong việc thông quan hàng hóa, hỗ trợ công nghệ để thích ứng với tình hình mới.

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương: Trước thực tế thị trường thế giới đột nhiên trở nên khó khăn, cầu của thế giới giảm mạnh do kinh tế suy thoái, lạm phát tăng cao… nhưng với nỗ lực của các DN trong việc “trả nợ” đơn hàng, sự hỗ trợ của các bộ ngành và địa phương, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, quản trị xanh hóa sản xuất, tin tưởng sẽ đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.

TIỂU MY