Doanh nghiệp cần tận dụng tốt các FTA
(BDO) Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định. Các doanh nghiệp đang chờ đợi những lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia.
Tăng trưởng ổn định
Trong tháng 5-2018, kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh ước đạt 2,012 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng trước, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Một tín hiệu đáng mừng, tháng 5, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 448,1 triệu USD, tăng 5% so với tháng trước và tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tại tỉnh đạt 2,021 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 201 7.
Sản xuất tại Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương 1. Ảnh: XUÂN THI
Ghi nhận cho thấy, 5 tháng qua, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh nói riêng có nhiều thuận lợi. Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), kim ngạch xuất khẩu tháng 5-2018 của các thành viên hiệp hội ước đạt 223,5 triệu USD, tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 10,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh trong tháng.
Trong khi đó, đối với các mặt hàng dệt may xuất khẩu vẫn giữ được mức tăng trưởng khá và ổn định. Lượng đơn hàng xuất khẩu trong quý II-2018 của các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh tăng từ 3 - 5% so với cùng kỳ năm 2017. Còn với ngành giày dép, 5 năm tháng qua, xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá tốt ở hầu hết thị trường xuất khẩu chính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước Trung Đông. Hầu hết các doanh nghiệp giày dép đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II-2018, lượng đơn hàng xuất khẩu tăng trung bình 5% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch BIFA, năm 2018, doanh nghiệp ngành gỗ có nhiều thuận lợi, nhiều thị trường mới mở rộng. Đa số các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến cuối quý III-2018. Hy vọng, với nhiều FTA đã và đang được Việt Nam ký kết, ngành gỗ Bình Dương sẽ tiếp tục lớn mạnh.
Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho thấy, đến nay các thị trường mà Việt Nam tham gia FTA đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu cao so với thời điểm trước khi có FTA. Dệt may là một trong những mặt hàng tận dụng hiệu quả các FTA để tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, có hiệu lực năm 2015, đã giúp kim ngạch xuất khẩu dệt may của nước ta sang Hàn Quốc năm 2016 đạt 2,6 tỷ USD, tăng 9,5%; năm 2017 đạt 2,9 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm trước. FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, có hiệu lực vào tháng 10- 2016, cũng đã giúp kim ngạch xuất khẩu dệt may nước ta sang Nga tăng từ 84,8 triệu USD năm 2015 lên khoảng 172 triệu USD năm 2017.
Tận dụng tốt các ưu đãi
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các thị trường tham gia FTA với Việt Nam; tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp như rút ngắn thời gian cấp chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa (C/O), rà soát, đơn giản hóa quy trình cấp C/O, áp dụng khai báo C/O điện tử, mở rộng thí điểm cấp C/O qua mạng internet. Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành triển khai, mở rộng áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ; tiếp tục nghiên cứu giảm tiêu chí tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tham gia cơ chế này.
Trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc. Để tận dụng hiệu quả các FTA Việt Nam đã và sẽ ký kết, tới đây Bộ Công thương sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền rộng rãi về những ưu đãi từ FTA. Theo ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, các FTA nước ta tham gia được trông đợi đem lại sức sống mới cho hàng hóa Việt Nam do không phải chịu thuế nhập khẩu; thị trường khu vực cũng vì thế mà rộng mở hơn. Nhưng điểm thách thức là hàng nội địa cũng sẽ bị cạnh tranh quyết liệt, không loại trừ việc mất thị trường trong nước cho hàng hóa từ nước ngoài. Để có thể tận dụng được cơ hội thực sự từ FTA, doanh nghiệp xuất khẩu phải nắm chắc quy tắc xuất xứ, bảo đảm đúng quy định để được hưởng ưu đãi. Các doanh nghiệp trong nước cần tăng cường nghiên cứu thị trường, sản phẩm tại các nền kinh tế thành viên FTA.
Theo ông Dành, doanh nghiệp phải tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh xuất khẩu, trước hết các doanh nghiệp cần xác định được chiến lược mặt hàng xuất khẩu và chiến lược thị trường đúng đắn. Trên cơ sở lựa chọn thị trường và xác định được mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các doanh nghiệp cần lựa chọn phương thức đổi mới công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý sao cho phù hợp. Mặt hàng xuất khẩu phải bảo đảm các tiêu chuẩn theo đúng yêu cầu của nước nhập khẩu…
TIỂU MY