Doanh nghiệp cần nỗ lực để mở rộng thị trường
Cơ hội và thách thức
Năm 2014, tình hình kinh tế thế giới đang dần phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thương mại và đầu tư. Trong nước, nền kinh tế cũng đang trên đà phục hồi và ổn định, vốn FDI tiếp tục “chảy mạnh” vào Việt Nam… Bên cạnh đó, lạc quan từ Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đàm phán cũng như việc các nhà đầu tư từ Nhật Bản đang có xu hướng chuyển vốn từ một số nước khác sang các nước ASEAN mà đặc biệt là Việt Nam. Đây là những điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế năm 2014 và cũng là điều kiện thuận lợi để thị trường tiêu thụ sản phẩm của DN được mở rộng. Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” tại Bình Dương đã giúp nhiều doanh nghiệp mở rộng thị trường trong nước
Bên cạnh thuận lợi như trên, có không ít thách thức đặt ra cho DN nhỏ và vừa. Lên tiếng về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư Trăn - Cá Sấu Ngọc Sơn, tại TX.Thuận An, cho biết: “Hiện công ty đã hoàn tất ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với khách hàng đến tháng 4-2014, tuy cơ bản giữ được khách hàng và thị trường nhưng công ty vẫn chưa thật sự yên tâm. Nỗi lo lớn nhất của chúng tôi cũng như của nhiều DN hiện nay vẫn là đầu ra của sản phẩm. Trước đây, lãi suất ngân hàng cao làm cho nhiều DN khốn đốn, còn hiện nay tuy lãi suất đã giảm nhưng DN cũng khó tiếp cận được với nguồn vốn vay. Các DN chăn nuôi như chúng tôi cần đồng vốn vay lâu dài, nhưng ngân hàng chỉ cho vay lãi suất ngắn hạn, và đặt ra điều khoản khi vay DN phải có thế chấp. Bên cạnh việc DN còn thiếu và yếu về vốn, công nghệ, kỹ thuật, sự gắn kết giữa nông dân và DN cũng chưa cao… Những vấn đề này ảnh hưởng lớn đến đầu ra sản phẩm”.
Trong khi đó, ông Thái Văn Anh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Thái, cho biết: “Giá nguyên liệu đầu vào một số mặt hàng biến động liên tục, khiến chi phí nhân công ngày càng cao... làm tăng chi phí sản xuất của DN. Trong lúc đó thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, thị trường xuất khẩu của nhiều mặt hàng bị thu hẹp, giá đầu ra giảm dẫn đến các đơn hàng vừa ít vừa khó thực hiện, một số mặt hàng lệ thuộc vào thị trường biên mậu Trung Quốc… là những nguyên nhân dẫn đến khó khăn cho DN sản xuất”. Trước việc đầu ra sản phẩm không thuận lợi, nhất là ở thị trường ngoài nước, ông Hùng cho biết, để khắc phục tình trạng này DN phải liên tục thay đổi mẫu mã sản xuất theo xu thế thị trường.
Đẩy mạnh nhiều giải pháp
Trước nhiều thách thức đặt ra, để phát triển bền vững nhiều DN đã lựa chọn hướng đi thận trọng và chắc chắn cho mình. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư Trăn - Cá Sấu Ngọc Sơn, bộc bạch: “Trong điều kiện như vậy, từng bước đi của DN ngay từ đầu năm đã được ban lãnh đạo công ty định hình một cách rất thận trọng, không đặt mục tiêu quá xa vời mà căn cứ vào thực tế của DN và thị trường. Khi giá đầu vào sản xuất tăng, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, để chắc chắn bảo đảm về đầu vào nguyên liệu cung cấp cho khách hàng, công ty đã ký đơn hàng ngắn hạn. Đây cũng là hướng để công ty giữ vững thị phần, thị trường, uy tín nhằm mục tiêu phát triển”. Là một công ty sản xuất giày xuất khẩu, Giám đốc Công ty Nam Bình Nguyễn Quang Vũ, chia sẻ: “Công ty tiếp tục dành nguồn lực lớn đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị, giữ vững chất lượng sản phẩm, không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài”.
Cùng sự nỗ lực của chính mình trong việc tự thân vận động, nhiều DN mong muốn có sự ổn định về chính sách để DN không bị bất ngờ. Cụ thể, mỗi sự tăng giá đầu vào từ tiền lương tới giá điện, giá xăng… đều cần tính toán kỹ, có lộ trình và có sự nghiên cứu phù hợp với sức chịu đựng của DN. Nếu vượt quá khả năng chi trả mà đầu ra chưa được khai thông, giá bán sản phẩm không thể tăng, DN rất khó cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt việc gắn kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng để giảm thiểu chi phí trung gian, hạ giá thành sản phẩm, góp phần ổn định giá cả hàng hóa; đồng thời triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa…; kiểm tra, giám sát về chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa, chống hàng giả, hàng kém chất lượng; kiểm tra giá cả tạo điều kiện tốt cho hàng hóa tiêu thụ phục vụ sản xuất, đời sống và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường nhằm giúp tránh rủi ro cho DN khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu… Có như vậy, nhiều DN nhỏ và vừa mới có thể phát huy lợi thế từ những yếu tố thuận lợi để vượt qua thách thức.
PHƯƠNG AN