Doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng

Thứ năm, ngày 18/03/2021

(BDO) Đáp ứng nhu cầu, lợi ích của người tiêu dùng (NTD) giữ vai trò quyết định đối với sự tồn tại của doanh nghiệp (DN) nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Thời điểm hiện tại, quyền lợi của NTD càng cần được bảo đảm, để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

 Tiêu hủy hàng hóa vi phạm tại Cục Quản lý thị trường tỉnh

Kinh doanh trách nhiệm

Lâu nay, trách nhiệm xã hội của DN được quan niệm và nhìn nhận ở bề nổi, tức là các hoạt động từ thiện, những vấn đề như chế độ đãi ngộ với người lao động, chính sách bảo vệ môi trường và những cam kết với thị trường về chất lượng hay sự an toàn của sản phẩm.

Công ty Cổ phần Vinamit là một trong những DN đi đầu trong ngành chế biến thực phẩm nông sản sau thu hoạch. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, cho biết dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động nhiều đến tình hình thương mại nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Nhưng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này vẫn đạt kết quả khá tốt. Theo ông Viên, DN làm nông nghiệp hữu cơ (NNHC) khi xuất khẩu thì chứng nhận Organic sẽ mở rộng cánh cửa để bước vào các thị trường Bắc Mỹ, Nhật Bản và EU, nơi có yêu cầu rất cao và nghiêm ngặt về các giá trị sức khỏe, dinh dưỡng và môi trường đối với người dân. Hơn nữa, xu hướng thực phẩm organic hiện rất phổ biến tại các quốc gia phát triển trên thế giới, các DN Việt Nam sản xuất NNHC trước hết phục vụ NTD Việt Nam, họ cần sử dụng những sản phẩm ưu việt đó. Ngoài ra, cần giúp hoàn thiện hơn về NNHC sạch để chọn lựa đúng sản phẩm và dinh dưỡng từ thiên nhiên, có lợi cho sức khỏe và môi trường.

Cùng với Vinamit, Công ty Cổ phần Ba Huân cũng là điển hình cho những DN chủ trương kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng xã hội khi sản xuất nông sản sạch. Theo bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ba Huân, nhu cầu tiêu thụ các nông sản sạch, an toàn hiện nay là rất lớn, việc phát triển NNHC sẽ giúp cho nông nghiệp phát triển bền vững, cung cấp nông sản chất lượng cao, an toàn, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và bảo đảm lợi ích cho toàn xã hội.

Chung tay vì quyền lợi người tiêu dùng

Thực tế cho thấy, bên cạnh những DN sản xuất, xuất khẩu, thương mại đã và đang nghiên cứu để hướng tới một nền sản xuất, tiêu dùng bền vững, nỗ lực đề cao trách nhiệm xã hội, vẫn còn đó không ít DN kinh doanh kém lành mạnh, chăm chăm vào lợi nhuận làm phương hại đến lợi ích NTD. Còn đó rất nhiều hành vi vi phạm quyền lợi NTD như quảng cáo sai sự thật, cung cấp hàng hóa không bảo đảm chất lượng, đặc biệt là hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ trục lợi, bán giá cao thu lời bất chính.

Tại Bình Dương, theo số liệu của Ban Chỉ đạo 389, năm 2020 các sở, ngành đãkiểm tra 14.229 vụ về thương mại (tăng 29,5% so cùng kỳ), phát hiện 7.812 vụ vi phạm (tăng 11,9% so cùng kỳ). Trong đó, có vụ việc khiến dư luận rất bất bình khi kinh doanh khẩu trang y tế kém chất lượng, bán với giá rất cao trong thời kỳ dịch bệnh vào đỉnh điểm nhằm thu lợi bất chính, hay kinh doanh thực phẩm bẩn, có chất cấm… Đây là những minh chứng rõ nhất về hành vi kinh doanh thiếu trách nhiệm với NTD, xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh, qua thực tế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của NTD, có thể thấy vi phạm đối với phương thức thương mại truyền thống là buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đầu cơ, tăng giá, không cung cấp hóa đơn khiến NTD thiếu căn cứ khi khiếu nại. Bên cạnh đó, các vi phạm về thương mại điện tử cũng không ít.

Thời gian qua, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi NTD trước những hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng văn minh, lành mạnh. Năm nay, Ngày Quyền của NTD Việt Nam 2021 (ngày 15-3) trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, hoạt động kỷ niệm chủ yếu vẫn là treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi, xây dựng chuyên đề tuyên truyền hoạt động kinh doanh có trách nhiệm tiêu dùng bền vững, phổ biến pháp luật cũng được duy trì với mục đích góp phần tăng nhận thức, ý thức từ DN, NTD. Theo ông Nguyễn Văn Bán, chỉ khi thực hiện tốt, bảo đảm đầy đủ các quyền lợi của NTD thì DN mới đạt những kết quả thiết thực, góp phần tăng uy tín cũng như làm tăng niềm tin của NTD đối với DN trên thị trường.

 Theo kế hoạch của Bộ Công thương, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam được tập trung tổ chức trong tháng 3 (tháng cao điểm) và kéo dài đến hết tháng 5-2021. Các hoạt động vì quyền lợi NTD sẽ được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt cả năm 2021.

 THANH HỒNG