Doanh nghiệp cần mạnh dạn áp dụng công nghệ mới vào sản xuất

Thứ sáu, ngày 19/04/2019

Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, nhiều công nghệ mới đã được áp dụng vào thực tiễn. Với một tỉnh có công nghiệp phát triển mạnh như Bình Dương đang có thời cơ lớn thu hút những thành tựu khoa học - công nghệ (KHCN) để phát triển lâu dài.

(BDO)

 Dây chuyền nhúng men tự động của Công ty TNHH Minh Long I. Ảnh: HOÀNG PHẠM

 Tăng cường kết nối dữ liệu

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Thoại Nam, trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, cho rằng để quản lý tốt thì việc kết nối dữ liệu là hết sức quan trọng. Sự quản lý thông minh đều dựa trên 3 yếu tố: nguồn dữ liệu (data), tự động (AI) và an ninh mạng; nếu yếu tố tự động và an ninh mạng được triển khai tốt nhưng không có nguồn dữ liệu thì không thể vận hành.

Bên cạnh đó, ngoài công nghệ thì các thiết bị di động thông minh ngày càng hiện đại, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh là có thể giải quyết các công việc cũng như giao dịch, quản lý… Việc này cũng đòi hỏi việc kết nối dữ liệu giữa các cơ quan, doanh nghiệp bằng công nghệ hiện đại và bảo đảm an ninh.

Trong chuyến làm việc của Chương trình tình nguyện viên IBM tại Bình Dương, bà Ana Paola Hentze Veerkamp, kỹ sư IBM Mexico, chia sẻ điện toán đám mây (ĐTĐM) là một trong những công nghệ được triển khai gần đây nhưng đã từng bước phát huy được khả năng lưu trữ, truyền tải cũng như bảo mật. Với việc sử dụng ĐTĐM sẽ triển khai được nhiều ứng dụng, đem lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh, quản lý, giảm chi phí lưu trữ và đưa ra các giải pháp doanh nghiệp xã hội như thư điện tử, họp trực tuyến…

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN, cho biết nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là triển khai xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, sở sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai xây dựng kiến trúc dữ liệu cho việc vận hành, quản lý thành phố thông minh. Kiến trúc dữ liệu được thu thập gồm 2 phần, phần dữ liệu từ các nguồn phát sinh giữa giao dịch các cơ quan Nhà nước với nhau, giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp, người dân và dữ liệu thu thập từ các cảm biến (dữ liệu thông thường) và dữ liệu từ các ứng dụng GIS, bản đồ số tổng thể của các ngành và có thể liên kết với dữ liệu Trung ương (dữ liệu quốc gia).

Công nghệ mới cho sản xuất, kinh doanh

Theo dự báo của các nhà khoa học, trong năm 2019, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ phát triển mạnh mẽ, nhất là trong hệ thống máy móc sản xuất. Đặc biệt, kết hợp với hệ thống IoT thì sẽ phát triển các thiết bị tự hành (IoAT), chỉ cần một thiết bị có thể điều khiển toàn bộ hệ thống.

Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I, cho rằng với tốc độ phát triển KHCN như hiện nay thì các doanh nghiệp sẽ có cơ hội để đưa công nghệ tự động vào sản xuất. Minh Long đã đầu tư hệ thống máy tính để quản lý quá trình sản xuất tự động ở một số khâu sản xuất, nhưng việc để mọi thứ tự động hóa thì cần sự đầu tư cũng như nghiên cứu, chuyển đổi công nghệ phù hợp với thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp.

Chia sẻ tại phiên đối thoại kỹ thuật học sâu trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis) Bình Dương 2018, ông Shin Ito, Giám đốc điều hành iKoyoo Inc (Nhật Bản), cho rằng trong năm 2019 sẽ có nhiều giao dịch tiền mã hóa được thực hiện và nó sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong kinh doanh.

Theo đánh giá của Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ KHCN), trình độ công nghệ sản xuất 3 nhóm ngành công nghiệp gồm chế biến gỗ, chế biến thực phẩm và gia công cơ khí trên địa bàn tỉnh chỉ đạt mức trung bình. Trên cơ sở này, cùng với thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ giúp lãnh đạo tỉnh cũng như các doanh nghiệp đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao trình độ công nghệ cho các doanh nghiệp, hỗ trợ, tư vấn lựa chọn các công nghệ phù hợp.

 HOÀNG PHẠM