FTA VIỆT NAM - EU:

Doanh nghiệp Bình Dương trước thời cơ lớn

Thứ năm, ngày 06/08/2015

(BDO)

Ngày 4-8, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Franz Jessen đã tuyên bố kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU. Như vậy, sau 3 năm đàm phán, FTA Việt Nam và EU đã có bước đi lịch sử, dự định 99% số dòng thuế sẽ được gỡ bỏ. Các doanh nghiệp (DN) tại Bình Dương đang đón nhận tin vui từ thị trường EU, trong đó các ngành may mặc, giày da, điện tử, gỗ… vốn là thế mạnh của Bình Dương, sẽ có dịp thâm nhập sâu rộng thị trường EU.   

 Ngành gỗ Bình Dương sẽ có cơ hội lớn vào thị trường EU. Trong ảnh: Sản xuất gỗ tại Công ty gỗ Kim Thành A (TX.Thuận An). Ảnh: P.HIẾU

Tăng sức cạnh tranh

Đón tin mừng từ FTA Việt Nam - EU, ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương phấn khởi cho biết, khi hiệp định có hiệu lực, các DN gỗ Bình Dương sẽ mở toang cánh cửa vào thị trường này. Thời cơ đã đến, các DN gỗ Bình Dương chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi về chiến lược sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu khắt khe từ thị trường EU. Dù hiệp định dự kiến tới đây mới được chính thức ký kết nhưng sự thay đổi phương cách tiếp cận thị trường EU là bài toán mà các DN ngành gỗ nên đầu tư nhiều công sức hơn để đủ sức cạnh tranh lâu bền với thị trường EU.

Ông Thanh cũng cho biết thêm, hiện Mỹ đang là thị trường nhập khẩu gỗ từ Bình Dương nhiều nhất, tuy nhiên nhiều khả năng EU sẽ vượt Mỹ khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực.

Vui mừng nhất có lẽ là ngành may mặc, giày da. Việc dỡ bỏ rào cản thuế quan sẽ tạo thêm sức mạnh cho các DN dệt may, giày da của Bình Dương đủ sức cạnh tranh với các đối thủ khác khi thuế suất về con số 0%, so với mức thuế suất từ 15 - 20% như hiện nay. Hiện Việt Nam là 1 trong 5 nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về lĩnh vực may mặc nhưng mới chỉ chiếm hơn 10% thị phần tại thị trường EU.

Sở Công thương nhận định, FTA Việt Nam - EU sẽ đi theo lộ trình, dỡ bỏ từ từ các dòng thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu vào thị trường EU. Với lợi thế là trung tâm công nghiệp của các tỉnh phía Nam, ngành dệt may, giày da, gỗ, điện tử… của Bình Dương sẽ đứng trước thời cơ lẫn thách thức không hề nhỏ từ hiệp định này. Riêng mặt hàng cao su, lâu nay các DN Bình Dương chỉ xuất khẩu sang thị trường Đức, sẽ có dịp mở rộng sang 27 quốc gia khác trong EU.

Vẫn nhiều thách thức

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, ngoài việc thuế suất giảm, các DN Bình Dương có nhiều đơn đặt hàng hơn từ EU, thuế suất nhập khẩu máy móc, trang thiết bị từ EU nhập về Việt Nam cũng sẽ giảm. Điều này giúp cho các DN tại Bình Dương có thêm cơ hội hiện đại hóa công nghệ sản xuất, thúc đẩy ngành công nghiệp của Bình Dương phát triển mạnh mẽ hơn.

Sở Công thương dự đoán, tới đây nguồn vốn đầu tư từ EU sẽ chảy mạnh vào Bình Dương, vì lợi thế của tỉnh là có nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tương đối hoàn thiện, lương công nhân thấp so với mặt bằng chung của khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, các DN, tập đoàn lớn đến từ các nước chưa ký FTA với EU cũng sẽ đến Bình Dương tìm cơ hội hợp tác làm ăn.

Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội May mặc tỉnh Bình Dương cho biết, thách thức sẽ đi song hành cùng cơ hội. Trước mắt, các DN may mặc Bình Dương sẽ không còn được hỗ trợ từ Chính phủ với các chi phí điện, nước, thuế… vì đó là cam kết ràng buộc khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực. Riêng ngành may mặc của Bình Dương cũng sẽ đối mặt với những thách thức lớn, vì hiện nay ngành công nghiệp phụ trợ tại Bình Dương còn hoạt động chưa chuyên nghiệp, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của các DN. Cạnh tranh nguồn nhân lực cũng sẽ diễn ra gay gắt hơn giữa các DN trong nước với DN trong nước, giữa DN trong nước với DN nước ngoài.

“Sân chơi FTA Việt Nam - EU đã từng bước trở nên sòng phẳng đối với các bên. Các DN Bình Dương cũng đang sẵn sàng đối đầu với khó khăn, thách thức để tiếp tục đón nhận cơ hội đưa Bình Dương trở thành một trung tâm công nghiệp mang tầm khu vực”, ông Phoa khẳng định.

 PHÙNG HIẾU