Doanh nghiệp Bình Dương cần tận dụng tốt cơ hội
(BDO) Những ngày qua, tranh chấp thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc leo thang gây tác động không nhỏ đến hoạt động thương mại toàn cầu. Đối với doanh nghiệp trong nước, trong bối cảnh này cần tận dụng tốt cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cơ hội đan xen thách thức
Sau quyết định áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, mới đây chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 10% lên quy mô hàng hóa trị giá 200 tỷ USD, có hiệu lực từ ngày 24-9 và mức thuế này sẽ tăng lên 25% vào đầu năm sau. Động thái leo thang căng thẳng thương mại này có thể gây tác động trực tiếp và gián tiếp với Việt Nam. Số ngành hàng của Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều bởi mức thuế 10% khá tương đồng với nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ, do đó dự kiến một số ngành hàng của Việt Nam có thể hưởng lợi trực tiếp, trong đó các ngành như gỗ, dệt may, da giày… là bị tác động sớm nhất.
Dòng vốn đầu tư dịch chuyển mạnh từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới sẽ là cơ hội cho Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Trong ảnh: Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Gỗ Tường Văn (huyện Bắc Tân Uyên). Ảnh: XUÂN THI
Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, nhận định việc Mỹ đánh thuế cả mặt hàng đồ gỗ của Trung Quốc là cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam phát triển mạnh, bởi đồ gỗ của Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ cũng đồng nghĩa đồ gỗ Việt Nam có cơ hội chiếm lĩnh thị phần mà Trung Quốc để lại. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tăng công suất khoảng 30%, thậm chí những doanh nghiệp có điều kiện sẽ đầu tư mở rộng sản xuất. Xuất khẩu gỗ của Việt Nam có vị trí quan trọng trên thị trường quốc tế bởi chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ thị trường Mỹ.
Bên cạnh đó, xuất khẩu nguyên vật liệu, linh kiện từ Việt Nam sang Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nếu xuất khẩu của Trung Quốc yếu đi. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam có thể vấp phải sự cạnh tranh gay gắt hơn nếu hàng hóa Trung Quốc bị bán phá giá tại Việt Nam. Đổi lại, Việt Nam có thể hưởng lợi nếu các doanh nghiệp Mỹ tìm chuỗi cung ứng thay thế và người tiêu dùng Mỹ dùng hàng Việt để thay thế; quan trọng hơn là dòng vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam để tránh thuế.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang dần rõ nét nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu và nhân công giá rẻ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư tại Trung Quốc cũng có xu hướng chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia khác. Có thể thấy, trong 9 tháng qua Trung Quốc có tổng số vốn đầu tư cấp mới, tăng thêm và mua cổ phần tại Việt Nam là 1,52 tỷ USD. Tính đến nay, Trung Quốc có 2.006 dự án còn hiệu lực, với tổng số vốn gần 12,7 tỷ USD, chiếm 3,8% tổng số vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực tại nước ta, xếp thứ 7/129 nước, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, Mỹ là quốc gia xếp thứ 11 trong số các nước, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.
Đón đầu cơ hội
Khi rót vốn vào Việt Nam, dòng chảy vốn đầu tư từ Trung Quốc thường chọn vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó Bình Dương vốn là một trong những đích đến ưa thích. Bình Dương, với vị trí địa lý thuận lợi, nằm cận TP.Hồ Chí Minh và có chính sách ưu đãi đầu tư, năng động bậc nhất cả nước, thời gian qua đã trở thành một cực thu hút đầu tư quan trọng. Theo Văn phòng UBND tỉnh, sản xuất công nghiệp của tỉnh 9 tháng qua tiếp tục phát triển ổn định và nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đối tác đến quý I-2019, lượng đơn hàng tăng 5 - 10% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số công nghiệp 9 tháng ước tăng 9,37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến tăng 9,64%.
Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, thời gian qua Bình Dương đã có nhiều khởi sắc. Tỉnh đã tổ chức các hội nghị gặp gỡ, đối thoại hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. 9 tháng năm 2018, Bình Dương đã thu hút 39.353 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó có 3.873 doanh nghiệp đăng ký mới và 754 doanh nghiệp bổ sung tăng vốn. Công tác thu hút vốn FDI cũng tăng trưởng tốt với 1,189 tỷ USD, đạt 84,95 kế hoạch năm. Tính đến nay, Bình Dương có 3.430 dự án FDI với tổng vốn đăng ký lên đến 31,29 tỷ USD, duy trì ở tốp đầu của cả nước.
Không chỉ duy trì thứ hạng cao trong biểu đồ thu hút vốn FDI của cả nước, Bình Dương còn thu hút vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động… đúng như định hướng tỉnh đã đề ra. Các ngành thu hút được nhiều vốn FDI nhất là công nghiệp sản xuất điện tử, kim khí, máy móc, thiết bị… Đặc biệt, có nhiều dự án đã đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ mà Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng còn thiếu và yếu. Như vậy, nếu dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam đúng như dự đoán, Bình Dương sẽ thực sự trở thành một điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư.
Trong lần gặp gỡ các doanh nghiệp FDI nước ngoài mới đây tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị tỉnh, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh hỗ trợ cho sự phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, cấp nước, điện, xử lý môi trường… cũng như tiến hành quy hoạch mở rộng các khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm nữa chính là tỉnh sẽ tăng cường đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... của nhà đầu tư, qua đó giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn.
KHÁNH VINH