Doanh nghiệp bắt nhịp xu hướng xanh

Thứ bảy, ngày 23/11/2024

(BDO) Việc thay đổi từ tư duy đến hành động, hướng đến xanh hoá trong sản xuất là cơ hội rộng mở cho doanh nghiệp (DN) trong nước tiếp cận với thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi các DN phải nỗ lực đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bền vững, đồng thời cải thiện quy trình sản xuất.

Nhiều lợi ích 

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023. Đặc biệt, 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng về bảo vệ môi trường của người dân. Những số liệu này phản ánh một sự chuyển biến mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng của người Việt, đặt ra không ít thách thức cho các DN sản xuất. 


Lãnh đạo ngành công thương khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất đáp ứng phát triển xanh, bền vững

Trước những đòi hỏi gắt gao, các DN bắt nhịp xu hướng xanh hoá trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến. Rất nhiều DN tại Bình Dương đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm mang yếu tố “xanh”, “sạch”, thân thiện với môi trường và đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí ván ép Nhật Nam (TP.Bến Cát), mục tiêu phát triển bền vững không chỉ là của riêng công ty ông  mà còn là định hướng của tất cả các DN ngành gỗ Bình Dương. 

“Hiện DN chúng tôi đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp, cải tiến quy trình để phục vụ việc chuyển đổi xanh trong sản xuất như tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, sử dụng nguồn năng lượng tuần hoàn nhằm giảm rác thải, minh bạch hóa các quy trình sản xuất …Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với DN khi thực hiện chuyển đổi xanh chính là chi phí đầu tư. Chi phí đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư chuyển đổi không hề nhỏ. Đây là một bài toán khó cho DN trong sản xuất, khi vừa phải đạt được mục tiêu phát triển bền vững, vừa cung cấp sản phẩm chất lượng mà giá thành phải hợp lý trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt” ông Nhật nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nhật, một yếu tố không kém phần quan trọng là bản thân DN muốn thực hiện chuyển đổi xanh phải tự trang bị nhiều kiến thức về vấn đề này. DN phải học hỏi, cập nhật kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, vừa làm vừa đánh giá để điều chỉnh và nâng cao hơn mỗi ngày. 


Lãnh đạo ngành công thương cho biết ngành tạo điều kiện để DN trong nước chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh

Dù khó khăn, đại diện Hiệp hội Da giày tỉnh vẫn lạc quan, cho rằng thúc đẩy sản xuất và phát triển bền vững mang lại rất nhiều lợi ích cho DN. Bên cạnh những lợi ích xã hội như giúp bảo vệ môi trường, giảm phát thải, phía DN cũng được hưởng lợi ở nhiều khía cạnh như giúp DN tối ưu và tiết giảm chi phí dài hạn; nâng cao hiệu quả sản xuất, tránh lãng phí nguồn tài nguyên. 

Hơn nữa, việc thực hiện chuyển đổi xanh giúp DN sẵn sàng đáp ứng trước những yêu cầu và biến động của thị trường khi ngày càng nhiều quốc gia xuất khẩu có những tiêu chuẩn bền vững khắt khe hơn đối với sản phẩm. Đây cũng là cơ hội mở ra những thị trường tiềm năng, cơ hội hợp tác cho các DN đã và đang thực hiện tốt chuyển đổi xanh.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh chia sẻ: “Phía các DN giày da  chủ động tích cực trong phát triển và cung cấp sản phẩm thân thiện với môi trường. Để chuyển mình theo hướng xanh hóa, DN phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bền vững, đồng thời cải thiện quy trình sản xuất để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. 

"Để truyền cảm hứng chuyển đổi xanh, phát triển bền vững cho cộng đồng DN, ngành công thương tạo những điều kiện thuận lợi để DN ứng dụng công nghệ, cải thiện quy trình sản xuất, phát triển các ngành sản xuất, kinh doanh ít phát thải carbon, chuyển đổi số để phát triển theo yêu cầu của xu hướng toàn cầu...Qua đó, các yếu tố sẽ tạo điều kiện để các DN trong nước chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh”.

(Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương)

Chuyển đổi kép

Đánh giá cao sự nỗ lực xanh hóa của các DN Việt nói chung, DN thương hiệu quốc gia nói riêng, ông Tạ Mạnh Cường, Trưởng phòng Phát triển Năng lực Xúc tiến thương mại - Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cũng là chủ đề trong Chương trình Thương hiệu quốc gia năm 2024. Tại kỳ bình chọn lần 9 năm nay, các DN thương hiệu quốc gia đã thể hiện được tính tiên phong, dẫn đầu ngành, đầu lĩnh vực, đáp ứng nhiều tiêu chí "xanh".

Ông Lý Ngọc Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Minh Long I cho rằng, trong tình hình thế giới luôn có nhiều biến động, nhất là sự cạnh tranh rất lớn trên thị trường, đòi hỏi DN luôn phải đổi mới tư duy, xây dựng chiến lược phù hợp, đẩy mạnh việc chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số, làm mới mô hình kinh doanh. Minh Long đều cần khoảng thời gian dài, qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, cải tiến nhiều năm để mang đến một sản phẩm hoàn thiện. 


Sản xuất tại Công ty TNHH cơ khí ván ép Nhật Nam (TP.Bến Cát)

Điều này đặt ra cho người đứng đầu bài toán làm thế nào để tối ưu hóa thời gian trong khi vẫn đạt được hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn việc áp dụng công nghệ nung một lần ở nhiệt độ cao cùng nhiều công nghệ tiên tiến, đột phá áp dụng trong sản xuất khác, Minh Long có thể tiết kiệm tối đa chi phí và giúp sản phẩm đạt chất lượng cao nhất. Tuy vậy, ngay cả khi máy móc, dây chuyền, công nghệ cao được nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng để tương thích với đặc điểm sản phẩm dự định làm thì cần phải điều chỉnh rất nhiều yếu tố. Người đứng đầu DN sẽ phải mất nhiều thời gian, chất xám để tạo nên sự thay đổi phù hợp.

“Một thực tế cho thấy, xây dựng thương hiệu theo hướng xanh hóa song hành với cơ hội cũng đặt ra nhiều thách thức cho DN, đặc biệt trong xu thế hội nhập. Theo đó, một trong những tiêu chí các DN phải tôn trọng là yếu tố môi trường, tôn trọng sự cân bằng xã hội và được quản trị theo những tiêu chuẩn tốt nhất. Thực tế, khi kinh tế Việt Nam đã tiệm cận với thế giới thì yêu cầu bắt buộc là chúng ta phải đáp ứng được các tiêu chuẩn toàn cầu”.

(Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Thiên Lộc)

Tiểu My - Cẩm Tú