Doanh nghiệp bán lẻ nỗ lực kích cầu tiêu dùng

Thứ hai, ngày 15/05/2023

(BDO) Năm 2023 kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn, tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực. Trong đó, ngành bán lẻ cũng chịu ảnh hưởng, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen tiêu dùng khi giá hàng hóa tăng cao.

 

Người tiêu dùng cân nhắc hơn trong chi tiêu mua sắm

 Cân đối chi tiêu

Báo cáo của Tổng cục Thống kê về chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 4 cho thấy, giá thực phẩm đã tăng 9,4%, chi phí nhiên liệu tăng khoảng 30,3% so với một năm trước. Để chi tiêu ít hơn, nhiều người tiêu dùng đang thay đổi thói quen mua sắm, chọn lọc những mặt hàng thực sự cần thiết.

Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, cho biết đã thay đổi danh sách chọn lựa thực phẩm của mình. “Tôi buộc phải nói không với nhiều món ăn yêu thích như tôm, thịt bò. Hiện giờ giá cả tăng cao nên chúng tôi sử dụng nhiều hơn món thịt heo, gà đông lạnh hay các loại cá giá cả rẻ”, chị Nguyễn Thị Bích Thủy nói.

Đây không chỉ là câu chuyện của chị Thủy mà nó cũng chính là cách thắt chặt chi tiêu của số đông người tiêu dùng. Chị Lê Thị Thu Hồng, phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, cho biết tình hình giá cả đang tăng cao chị cũng đã thay đổi chi tiêu trong vài tháng qua. Gia đình chị đã cắt giảm số lượng đồ ăn vặt xuống và tự nấu ăn nhiều hơn, sử dụng ít thịt hơn để có thể tiết kiệm chi phí sinh hoạt. “Tôi cũng đồng thời cắt hẳn việc mua các bộ quần áo mới để có thể trang trải các chi phí cố định. Mọi người nên linh hoạt trong việc lập kế hoạch mua sắm và ăn uống, sẽ giúp giảm chi phí rất nhiều”, chị Hồng có lời khuyên.

Các nhà bán lẻ, doanh nghiệp đều cho rằng năm 2023 tuy dự báo sức mua vẫn duy trì tăng trưởng tốt nhưng đây là năm mà kinh tế Việt Nam gặp nhiều gặp khó khăn và mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn với sự tham gia và mở rộng hoạt động của các nhà bán lẻ trong nước và ngoài nước. Tuy vậy, yếu tố quyết định doanh số kinh doanh vẫn là sự thay đổi hành vi người tiêu dùng.

Nhiều giải pháp kích cầu

Theo các doanh nghiệp phân phối hiện đại, trong 4 tháng đầu năm sức mua có tăng nhưng không cao và không ổn định. Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Giám đốc thu mua MM Mega Market Việt Nam, cho biết tăng trưởng của hệ thống là 14,8%. Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Central Retail Việt Nam, sức mua trong quý I tăng 10% so với cùng kỳ nhưng chưa ổn định. Lãnh đạo các siêu thị Go!, BigC Bình Dương, Lotte Mart Bình Dương cũng cho biết do ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế nên dù các siêu thị đã chuẩn bị kỹ, tăng đến 20 - 30% chi phí cho khuyến mại các nhóm hàng chủ lực và hàng tiêu dùng nhưng sức mua dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua vẫn không được như kỳ vọng.

Nhận định xu hướng thị trường các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng dịch bệnh Covid-19 xảy ra đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Giá thành không còn là yếu tố quyết định đến việc mua hàng. Thay vào đó là nguồn gốc kèm với chất lượng sản phẩm. Chính sách hoàn trả, kết hợp với chương trình giảm giá, ưu đãi sâu lại trở thành yếu tố cạnh tranh lớn.

Ông Lê Trung Hòa, Giám đốc siêu thị Lotte Mart Bình Dương, đánh giá thói quen tiêu dùng đã có những thay đổi. Dự báo, người tiêu dùng sẽ tiếp tục thắt chặt chi tiêu, giảm hoặc không mua hàng hóa không cần thiết, chọn mua hàng có giá rẻ hơn, chuyển sang kênh mua bán trực tuyến với giá “mềm” hơn…

Nhận định tình hình này, để tăng sức mua và cơ chế giá tốt nhất cho người tiêu dùng, ngay từ đầu quý II-2023, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhà bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã tung ra hàng loạt hoạt động kích cầu tiêu dùng và đổi mới mô hình kinh doanh đáp ứng xu hướng thị trường.

Đơn cử, hệ thống trung tâm MM Mega Market triển khai chương trình “Giá sỉ” như giá ở chợ đầu mối dành cho hơn 40 mặt hàng thực phẩm tươi sống nhờ vào việc thu mua trực tiếp từ vùng trồng trọt và chăn nuôi theo mô hình khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”. Song song đó là chương trình “Khóa giá” dành cho hơn 500 mặt hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu. Đây là chương trình MM Mega Market kết hợp cùng các nhà cung cấp lớn trong nước thực hiện, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm mua sắm sản phẩm chất lượng với giá thành tốt nhất trong 2 tháng tới, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường. Các hệ thống bán lẻ khác như WinMart/ WinMart+ cũng đang áp dụng khuyến mại 2 tuần/kỳ, khuyến mại lên tới 50% áp dụng cho nhiều ngành hàng, có gian hàng không lợi nhuận để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Tương tự, hệ thống GO!, BigC phối hợp với nhà phân phối thực hiện chương trình “Giá luôn rẻ” mang lại cho khách hàng trên 1.000 sản phẩm rẻ hơn từ nay đến cuối năm. Hệ thống siêu thị Co.opmart tham gia bình ổn giá ở 11 nhóm hàng với cam kết giảm giá 5 - 10% so với giá thị trường… Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Công ty Aeon Việt Nam, cho hay trung tâm mua sắm này vẫn nỗ lực giữ giá ổn định giá các mặt hàng được lựa chọn nhiều.

Bên cạnh giải pháp khuyến mại, các doanh nghiệp bán lẻ cũng cho rằng, giải pháp quan trọng là cắt giảm chi phí trong chuỗi cung ứng. Đại diện WinMart/WinMart+ thông tin, hệ thống bán lẻ này đã ứng dụng công nghệ vào xây dựng hệ thống logistics nội bộ, bước đầu giúp giảm 13% chi phí cung ứng trên mỗi sản phẩm. Từ đó, sẽ giảm bớt chi phí giá thành, góp phần làm thay đổi thói quen mua sắm của người Việt từ trực tiếp sang trực tuyến là khuyến mại lớn, giao hàng miễn phí.

 THANH HỒNG