Đoàn thanh niên với công tác giảm nghèo
(BDO) Thời gian qua, Đoàn Thanh niên tỉnh nhà đã huy động các nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) nghèo có việc làm ổn định, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua đó đã góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2018.
Anh Nguyễn Trọng Cầu (giữa), công nhân Đội cây xanh thuộc Chi đoàn Xí nghiệp Công trình công cộng TX.Dĩ An nhận Nhà nhân ái từ Thị đoàn Dĩ An trao tặng. Ảnh: CTV
Nhiều cách làm hay
ĐVTN là lực lượng trẻ, có sức khỏe để lao động tạo ra thu nhập. Vì vậy, ĐVTN có khả năng vươn lên thoát nghèo nhanh hơn so với các đối tượng khác trong xã hội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà đời sống của một số gia đình do ĐVTN làm chủ hộ trong tỉnh còn khó khăn. Với vai trò là tổ chức của tuổi trẻ, Tỉnh đoàn đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo cho ĐVTN giai đoạn 2016-2018, kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2019-2020.
Tính đến quý I-2018, trên địa bàn tỉnh đã có 177 tổ tiết kiệm vay vốn do Đoàn thanh niên quản lý tại các xã, phường, thị trấn, tổng số dư nợ do Đoàn thanh niên quản lý cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay là 210 tỷ 810 triệu đồng, giải quyết cho 6.096 hộ vay vốn, góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình, từng bước giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Thông qua hoạt động ủy thác, Đoàn thanh niên cùng với hệ thống Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã chuyển giao nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ủy thác tạo điều kiện giúp ĐVTN nâng cao đời sống, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tính đến 31-3-2018, tổng nguồn vốn hỗ trợ cho ĐVTN do Tỉnh đoàn quản lý 792 triệu đồng.
Bên cạnh hỗ trợ vốn, Tỉnh đoàn vận động hỗ trợ xây dựng 29 căn “Nhà nhân ái” cho 29 hộ thanh niên nghèo với tổng số kinh phí 1,5 tỷ đồng; xây dựng 10 “Ngôi nhà Khăn quàng đỏ” cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 1 tỷ đồng. Nâng cao tri thức cho ĐVTN, thanh thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn, Tỉnh đoàn tiếp tục duy trì và thực hiện tốt các nguồn quỹ học bổng, giải thưởng như giải thưởng Tài năng trẻ, Hồ Văn Mên; học bổng “Thắp sáng ước mơ sinh viên Bình Dương”, “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Bình Dương” giai đoạn 2016-2020 cho ĐVTN, học sinh - sinh viên.
Tỉnh đoàn đã chỉ đạo thành lập và duy trì được 94 hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh; phối hợp cùng Liên minh hợp tác xã tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ tổ hợp tác cho 220 ĐVTN tham gia; giới thiệu nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể tỉnh Bình Dương do Liên minh hợp tác xã tỉnh Bình Dương quản lý cho ĐVTN vay vốn; tổ chức được 15 lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 1.500 ĐVTN về các mô hình làm kinh tế hiệu quả trong thanh niên. Bên cạnh đó, các cơ sở Đoàn cũng thường xuyên chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ, các lớp tập huấn các mô hình kinh tế cho ĐVTN…
Nỗ lực của chính thanh niên
Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết việc tập trung hỗ trợ, giúp đỡ ĐVTN nghèo có cuộc sống ổn định được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Tỉnh đoàn đã và đang triển khai nhiều hoạt động trợ lực cho ĐVTN phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập. Với những cách làm trên của tổ chức Đoàn, tin rằng sẽ phát huy được vai trò xung kích của ĐVTN trong phát triển kinh tế; đồng thời, giúp ĐVTN vươn lên thoát nghèo và tạo dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Cũng từ sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía Tỉnh đoàn, nhiều ĐVTN đã nỗ lực vươn lên ổn định cuộc sống. Đơn cử như anh Lê Tấn Cường, đoàn viên Chi đoàn ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên. Cuộc sống gia đình khó khăn nên học xong lớp 9, anh nghỉ học để đỡ đần việc ruộng vườn cho ba mẹ. Sau đó, anh trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, đi bộ đội và xuất ngũ trở về địa phương vào năm 2015, anh được giữ lại huyện đội làm lực lượng thường trực. Công tác được 1 năm, anh xin nghỉ việc để về phụ giúp gia đình làm kinh tế. Với mảnh vườn khoảng 2 ha, anh Cường được các anh chị trong Câu lạc bộ Thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh hướng dẫn mô hình trồng cây có múi. Được chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, hỗ trợ cây giống, cộng với ý chí dám nghĩ, dám làm anh đã hình thành vườn bưởi da xanh xen canh thêm quýt và cam. Sau gần 3 năm canh tác, đến nay lợi nhuận một năm trên 100 triệu đồng. Đây là một con số không nhỏ với những thanh niên bắt đầu lập thân, lập nghiệp vươn lên làm giàu chính đáng.
Để giúp thanh niên sớm “an cư lạc nghiệp”, những năm qua, Thị đoàn Dĩ An đã rà soát, trao tặng nhiều căn Nhà nhân ái cho ĐVTN cóhoàn cảnh đặc biệt khókhăn. Có ngôi nhà khang trang là động lực để các bạn ĐVTN vươn lên lập nghiệp. Anh Nguyễn Trọng Cầu, công nhân Đội cây xanh thuộc Chi đoàn Xí nghiệp Công trình công cộng TX.Dĩ An là ĐVTN vừa được tặng Nhà nhân ái. Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn gồm 8 người: Bà nội bị tai biến, mẹ bị bệnh thần kinh, chị gái và các con cùng sống chung, thu nhập chính dựa vào người cha già 60 tuổi và anh Cầu. Cả gia đình ở trong căn nhà xuống cấp, hư hỏng nặng. Để giúp Cầu sớm vươn lên, Thị đoàn Dĩ An đã vận động các nhà hảo tâm xây tặng căn Nhà nhân ái với số tiền 40 triệu đồng. Anh Cầu tâm sự: “Tôi luôn mong ước làm thật nhiều, thật giỏi để sửa chữa lại căn nhà cho gia đình có chỗ che mưa, che nắng nhưng khó quá. Bởi tiền lương của tôi chỉ đủ chi tiêu cuộc sống cho cả gia đình. Được tặng nhà, tôi hạnh phúc lắm. Tôi quyết tâm lao động để gia đình có cuộc sống ổn định hơn”.
Có thể thấy, sự nỗ lực, cố gắng không ỷ lại, trông chờ của các bạn ĐVTN trên “con đường” lập thân, lập nghiệp với sự hỗ trợ của các cấp đoàn, hội là niềm vui cho những người làm công tác Đoàn. Họ đã định hướng cho ĐVTN trở thành những người có ích cho gia đình, xã hội; là những tấm gương điển hình vượt khó vươn lên.
THIÊN LÝ