Đoàn Lai Uyên - Người nông dân mê khoa học
(BDO) Những năm gần đây, anh Đoàn Lai Uyên, ở xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng được nhiều người tại địa phương biết đến nhờ nhân giống lan rừng, đinh lăng, nấm linh chi… thành công từ phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Cuộc sống của gia đình anh khá lên cũng nhờ từ thành công này.
Anh Đoàn Lai Uyên kiểm tra các mẫu mô tại cơ sở của mình. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Gây dựng từ niềm đam mê
Khi được lãnh đạo Hội Nông dân xã Lai Uyên giới thiệu anh Đoàn Lai Uyên là một trong những nông dân đam mê và tâm huyết với công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, chúng tôi đã tìm đến cơ sở sản xuất của anh. Nói là cơ sở nhưng thực chất vừa là nhà ở của anh vừa là nơi trồng lan rừng, nấm linh chi và phòng nuôi cấy mô tế bào. Trong ngôi nhà gần 100m2, anh Uyên dành hơn 30m2 để làm phòng nuôi cấy mô tế bào và được đầu tư đồng bộ các trang thiết bị, từ hệ thống làm lạnh đến hệ thống cấy mô…
Anh Uyên chia sẻ, cách đây hơn 3 năm, gia đình anh chuyển sang trồng lan rừng. Ban đầu, việc nhân giống các loại lan rừng quý hiếm anh gặp rất nhiều khó khăn; trong khi đó việc nhân giống tự nhiên cũng không dễ dàng, tỷ lệ thành công không cao. Qua tìm hiểu từ sách, báo, internet… về việc nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào và nhận thấy có hiệu quả, anh đã đi học hỏi thêm nhiều nơi như trường Đại học Nông Lâm, một số công ty triển khai nuôi cấy mô… Sau đó, anh bắt đầu thực hiện và đã gây giống hoa lan rừng thành công từ phương pháp nuôi cấy mô tế bào với tỷ lệ thành công đạt hơn 90%. “Lúc mới thực hiện, tôi chỉ nuôi cấy một số loại lan dòng Hoàng Thảo để lấy kinh nghiệm; sau đó triển khai nhân giống các loại lan rừng quý hiếm khác và đạt kết quả khả quan”, anh Uyên nói.
Thành công từ sự kiên trì
Theo anh Uyên, lúc anh mới có ý định nuôi cấy mô hoa lan rừng, gia đình và bạn bè đã khuyên không nên làm vì sợ dễ thất bại. Nhưng với niềm đam mê, thích học hỏi những mô hình mới và nhất là có được sự ủng hộ rất lớn của người vợ nên anh quyết tâm thực hiện đến cùng. Trải qua những lần thất bại, cũng có lúc anh rất thất vọng nhưng không buông xuôi. Anh đã cố gắng xem xét kỹ lưỡng các bước khi chọn mẫu, vô trùng, bảo quản… để tránh những sai sót. Nhờ đó anh đã thành công.
Với mức vốn đầu tư ban đầu hơn 200 triệu đồng, hiện nay phòng nuôi cấy mô tế bào của anh Uyên được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh với đầy đủ thiết bị, máy móc, kỹ thuật hiện đại, bảo đảm đáp ứng cho việc sản xuất nhân giống và bảo tồn nguồn gen lan rừng cũng như cung ứng cho thị trường trong nước. Từ việc cung cấp lan giống, trung bình mỗi năm anh Uyên thu lãi hơn 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn cung cấp phôi nấm linh chi cho các trang trại với mức lãi trung bình gần 100 triệu đồng/năm.
Hiện nay, ngoài nhân giống các loại hoa lan rừng, anh Uyên cũng đã triển khai nhân giống đinh lăng, chuối, nấm linh chi. Mục đích trước mắt là để phục vụ cho việc sản xuất của gia đình và phân phối phôi nấm linh chi cho các trang trại trồng nấm trên địa bàn tỉnh. Sắp tới, anh dự định mở rộng quy mô, tăng năng suất nhân giống phôi nấm linh chi, đinh lăng… vì giống từ nuôi cấy mô tế bào có sức đề kháng, năng suất cao hơn so với cách làm trước đây. Lý do là trong quá trình nhân giống đã loại bỏ các cá thể yếu, chỉ chọn những cá thể tốt, khỏe mạnh để phát triển.
“Sẽ khó thành công nếu không có sự đam mê và quyết tâm thực hiện”, anh Uyên chia sẻ khi đúc kết kinh nghiệm lao động, kinh doanh của mình.
HOÀNG PHẠM