Đoàn kết tập hợp thanh niên công nhân: Hiệu quả từ những cách làm hay
(BDO) Bằng nhiều cách làm hay trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân (TNCN), Ban Tổ chức (BTC) Đề án Đoàn kết, tập hợp TNCN các cấp tại TP.Thuận An đã tập hợp hơn 20.000 công nhân vào tổ chức.
Lễ hội Ook Om Bok tại phường Bình Hòa được tổ chức hàng năm giúp TNCN người Khmer duy trì nét sinh hoạt văn hóa dân tộc
Tuyên truyền, giáo dục, chăm lo
Chia sẻ về những cách làm hiệu quả trong công tác đoàn kết, tập hợp TNCN tại địa phương, anh Trương Văn Khanh, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên, Phó ban Tổ chức Đề án Đoàn kết tập hợp TNCN TP.Thuận An cho biết, Đề án Đoàn kết tập hợp TNCN tại thành phố giai đoạn 2016- 2020 đã đạt nhiều hiệu quả nổi bật. Để làm được điều này, thời gian qua, tại TP.Thuận An đã nhận được sự quan tâm sâu sát của Thường trực Ban Chỉ đạo đề án, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thường xuyên đi cơ sở, hỗ trợ, gỡ khó cho cơ sở trong quá trình thực hiện đề án như về kinh phí, con người, phương thức tổ chức các hoạt động… Từ thực tế, BTC đề án thành phố rút ra bài học để đoàn kết tập hợp TNCN phải giúp cho TNCN thấy được sự chăm lo, đồng hành của các tổ chức đoàn thể trong công việc, đời sống, giúp TNCN tin tưởng, yêu quý đất và người Bình Dương, xem đây là quê hương thứ 2 của mình.
Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục là nhiệm vụ then chốt. Theo đó, BTC đề án đã chỉ đạo thực hiện các công tác tuyên truyền được thực hiện sâu sát ở từng cơ sở với đa dạng các nội dung giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật… bằng nhiều hình thức như thông qua các buổi tuyên truyền lồng ghép trong sinh hoạt chi đoàn, chi hội hay qua các kênh thông tin của Đoàn (website Tuổi trẻ Bình Dương, mạng xã hội, phát Báo Bình Dương thứ bảy hàng tuần…). Ngoài ra, BTC đề án còn duy trì các mô hình “Tủ sách thanh niên”, “Bảng tin TNCN”, “Giỏ sách pháp luật” tại các nhà trọ… Đặc biệt, BTC đề án thành phố đã phát triển được lực lượng nòng cốt tại cơ sở nhằm xây dựng kênh thông tin 2 chiều giữa thành phố và cơ sở, giúp BTC đề án thành phố và Ban Chỉ đạo đề án tỉnh quản lý, phối hợp nắm bắt và xử lý thông tin kịp thời trong hội viên TNCN, tránh xảy ra vụ việc TNCN bị các đối tượng xấu lôi kéo, kích động…
Để thực hiện tốt công tác chăm lo cho TNCN, BTC đề án đã duy trì những mô hình hiệu quả và thực hiện thêm nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo nhằm chăm lo cho TNCN về tất cả mọi mặt. Tiêu biểu có thể kể đến chương trình “Mâm cơm ngày tết”, hàng năm BTC đề án đều hỗ trợ thêm kinh phí để các cơ sở tổ chức tốt hoạt động này, giúp các hội viên, TNCN không có điều kiện về quê ăn tết cảm nhận chút niềm vui ấm áp từ bữa cơm thân mật tại quê hương thứ 2 Bình Dương.
Song song đó, việc trao tặng những căn phòng mơ ước, căn phòng vươn lên cho hội viên TNCN khó khăn, giúp TNCN giảm bớt gánh nặng việc thuê phòng trọ trong lúc khó khăn; những suất hỗ trợ đột xuất khi TNCN ốm đau, tai nạn hay những chương trình trao tặng quà nhân các dịp lễ, tết đã tạo động lực, niềm tin giúp TNCN vượt qua khó khăn, tập trung chăm lo lao động, sản xuất.
Hướng đến công tác chăm sóc, giáo dục cho con em TNCN, tại TP.Thuận An đã ra đời những lớp học tình thương cho con em hội viên TNCN, nhóm giữ trẻ cho con em hội viên nữ TNCN, những “Câu lạc bộ hớt tóc” miễn phí cho con em TNCN, sân chơi cuối tuần cho thiếu nhi các khu nhà trọ, hay chương trình “Lồng đèn trao tay - Thắp sáng ước mơ” - trao tặng lồng đèn cho con em TNCN tại các nhà trọ… Ngoài ra, các hội thi tiếng hát TNCN, hội thao TNCN, các điểm sinh hoạt đoàn viên xa quê, sân chơi cuối tuần… là các hoạt động chăm lo về tinh thần giúp TNCN có nơi vui chơi, giải trí sau những ngày làm việc vất vả…
Nhiều chính sách hỗ trợ
Anh Trương Văn Khanh cho biết, đề án thực hiện thành công là nhờ sự đóng góp rất lớn từ đội ngũ cán bộ đề án, chi hội trưởng TNCN… Với đặc thù công việc đoàn kết tập hợp TNCN đi sớm về khuya, thường xuyên làm những ngày nghỉ, ngày lễ song chi phí hỗ trợ cho đối tượng này hiện nay khá thấp, thực sự phải có đam mê công tác xã hội mới có thể gắn bó lâu dài với công tác này. Hiểu được điều này, thời gian qua, thường trực Ban Chỉ đạo đề án đã đặc biệt quan tâm về chế độ, chính sách, vị trí việc làm, nâng cao trình độ, kỹ năng, kiến thức cho lực lượng này…
Theo đó, hàng năm, BTC đề án thành phố đã có những hình thức động viên, khuyến khích tinh thần cho cán bộ đề án; đồng thời tổ chức tập huấn kỹ năng vận động và sinh hoạt, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ đề án và cán bộ nòng cốt trong toàn thành phố; cử cán bộ đề án thành phố và xã, phường tham gia lớp nghiệp vụ thanh vận do Tỉnh đoàn tổ chức. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường tham mưu cấp ủy đề xuất bố trí 5 cán bộ đề án vào vị trí Phó Bí thư Đoàn và Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ ở các xã, phường; hỗ trợ tặng quà cho các cán bộ đề án vào dịp lễ, tết.
Những hoạt động chăm lo của các tổ chức chính quyền, đoàn thể đối với TNCN và cán bộ làm công tác đoàn kết tập hợp TNCN, đã góp phần hình thành tình cảm của công nhân lao động xa quê, cùng chung tay xây dựng quê hương Thuận An ngày càng phát triển, văn minh.
Một số mô hình, chương trình dành cho TNCN nổi bật tại TP.Thuận An Mô hình lễ hội Tết Chol chnam Thmay, Ook Om Bok. Hàng năm, BTC đề án thành phố chỉ đạo BTC đề án phường Bình Hòa tham mưu cấp ủy địa phương phối hợp chi hội tổ chức lễhội Tết Chol chnam Thmay, lễhội Ook Om Bok cho toàn thể hội viên và bà con của khu nhà trọ nhằm tạo điều kiện để hội viên và bà con người đồng bào Khmer duy trì bản sắc văn hóa của dân tộc. Mô hình khu nhà trọ thanh niên kiểu mẫu: Thời gian qua, Thành đoàn Thuận An đã xây dựng tại 4 phường có khu nhà trọ kiểu mẫu (Bình Hòa, An Phú, Thuận Giao, Bình Chuẩn); thành lập được 2 điểm sinh hoạt xa quê tại phường Bình Chuẩn và An Phú; xây dựng 12 điểm sân chơi thiếu nhi cho con em nhà trọ trên địa bàn 10 xã, phường. Mô hình “Siêu thị 0 đồng”: Mô hình do Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai thực hiện đầu tiên tại phường Vĩnh Phú. Hội viên phụ nữ được đến lựa chọn quần áo đã qua sử dụng, nhu yếu phẩm, rau củ quả…với giá 0 đồng. Qua đó, mô hình đã hỗ trợ giúp đỡ cho hàng trăm hội viên khó khăn. Mô hình “Điểm tiếp nhận và tặng quần áo cũ cho người khó khăn”: Thành đoàn phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ thành phố ra mắt điểm tiếp nhận và tặng quần áo cũ cho hội viên TNCN và người dân khó khăn tại khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn. Chương trình “Phố TNCN cuối tuần”: Gắn với sinh hoạt chi hội định kỳ hàng quý, tại các phường có đông hội viên TNCN đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như trò chơi dân gian, trang trí góc phố xuân, thi hát karaoke, bốc thăm trúng thưởng, chương trình văn nghệ, đồng thời lồng ghép tuyên truyền pháp luật, gặp gỡ, tọa đàm trao đổi với lãnh đạo các ngành địa phương... |
NGỌC NHƯ