Đoàn Giám sát của Quốc hội: Làm việc với tỉnh Bình Dương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016

Thứ hai, ngày 12/12/2016

(BDO) Chiều 12-12, Đoàn Giám sát của Quốc hội do ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Dương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016. Tiếp và làm việc với đoàn có ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban chỉ đạo (BCĐ) ATTP tỉnh; đại diện các địa phương và các sở, ngành liên quan.

 Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Phùng Quốc Hiển (đứng), Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn làm việc với lãnh đạo tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016. Ảnh:  Hồng Thuận 

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2011-2016, công tác triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh quán triệt, quyết liệt triển khai thường xuyên, liên tục và luôn nhận được sự quan tâm của các ấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các đơn vị chuyên môn. Do vậy, công tác đảm bảo ATTP đã đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra, cơ bản kiểm soát được các nguy cơ mất ATTP; giảm thiểu được số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cơ bản kiểm soát được vấn đề mất ATTP đối với nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm tươi sống, rau củ quả. 100% BCĐ liên ngành tuyến huyện và tuyến xã được kiện toàn theo Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Sở Y tế là thường trực BCĐ ATTP tỉnh đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh, BCĐ ATTP tỉnh ban hành các kế hoạch chiến lược, văn bản điều hành, phân công quản lý giữa các ngành; công tác thanh, kiểm tra, thông tin phổ biến pháp luật; kế hoạch phối hợp liên ngành… Từ đó, công tác bảo đảm ATTP ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng; giải quyết kịp thời, hiệu quả các vụ việc nổi cộm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tạo sự an tâm cho người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm; tổ chức mạng lưới ATTP từng bước được hoàn thiện, đặc biệt là nguồn nhân lực được chú trọng đào tạo chuyên môn trên lĩnh vực ATTP (cả 3 ngành y tế, nông nghiệp và công thương). Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác ATTP luôn được đào tạo cập nhật chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động ở các tuyến không ngừng được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, bảo đảm chất lượng ATTP đến tay người tiêu dùng; đồng thời nâng cao nhận thức người tiêu dùng, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Công tác thanh, kiểm tra bảo đảm ATTP được tăng cường về số lượng đoàn cũng như số cơ sở được thanh, kiểm tra. Các vi phạm đều được xử lý nghiêm theo quy định và thực hiện tốt công tác theo dõi, tái kiểm tra việc cải thiện điều kiện ATTP của các cơ sở vi phạm. Tỷ lệ sản phẩm, thực phẩm bị ô nhiễm không đạt chất lượng giảm dần qua các năm. Ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng nâng cao. Người tiêu dùng đã có sự quan tâm và có kiến thức về lựa chọn thực phẩm an toàn. Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện ATTP ngày càng tăng và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch được giao. Bước đầu đã xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản ATTP; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGap; chú trọng quy hoạch giết mổ tập trung và xây dựng các mô hình sản xuất an toàn khác, hệ thống phân phối không ngừng được mở rộng. Công tác giám sát nguy cơ ô nhiễm nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, chủ động giám sát các hóa chất, phụ gia cấm sử dụng trong thực phẩm từ đó phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trương hợp vi phạm…

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn cũng đã trao đổi một số vấn đề liên quan như nguồn đầu vào thực phẩm, việc hỗ trợ các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi... Đại diện các ngành y tế, nông nghiệp và công thương đã giải trình một số vấn đề mà Đoàn giám sát của Quốc hội quan tâm; đồng thời kiến nghị một số khó khăn, vướng mắc mà các ngành đang gặp phải trong quá trình thực hiện quản lý ATTP tại địa phương…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng ATTP là vấn đề luôn được Quốc hội quan tâm. Bình Dương là một tỉnh trọng điểm khu vực phía Nam, dân số đông, có nhiều khu công nghiệp, nhu cầu sản xuất, kinh doanh, phân phối tiêu dùng rất lớn. Mặc dù tỉnh đã làm tốt công tác này, nhưng cũng nhận thấy một số tồn tại, hạn chế liên quan như việc kiểm soát thực phẩm bên ngoài còn khó khăn; việc kiểm soát tại chỗ chưa đầy đủ; sản phẩm vãng lai khó truy soát nguồn gốc xuất xứ, nhất là đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ… Công tác kiểm soát ATTP là vấn đề cam go, phức tạp và hết sức khó khăn. Do đó, phải coi đây như là cuộc chiến để kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng sản xuất, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Mặc dù còn khó khăn nhưng tỉnh cần có quyết tâm cao hơn để thực hiện được những vấn đề bảo đảm ATTP và giải quyết được những vấn đề bức xúc.

* Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, Đoàn giám sát của Quốc hội đã chia làm 4 tổ đi khảo sát tại 12 điểm, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh; trong đó có một số điểm báo trước và một số điểm đoàn đến khảo sát đột xuất.

HỒNG THUẬN

 

 

Từ khóa: