Đoàn giám sát của Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy tại Bình Dương
(BDO) Sáng 4-5, Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Cùng tham gia đoàn có Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga; Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Trần Văn Túy. Tiếp và làm việc với đoàn có ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Võ Văn Minh, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Theo Công an tỉnh, 5 năm qua, trên địa bàn xảy ra 80 vụ cháy, làm 12 người chết, 10 người bị thương và thiệt hại hơn 3.113 tỷ đồng. Lực lượng chức năng các cấp đã kiểm tra gần 55.000 lượt cơ sở, tiến hành xử phạt hơn 1.000 trường hợp với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC luôn được chú trọng, các mặt công tác nghiệp vụ về PCCC được quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ… Ngoài ra, Bình Dương cũng đã phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng PCCC cứu nạn cứu hộ tầm nhìn đến năm 2030, đề án xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do cháy nổ từ 2016 đến 2020… Tuy nhiên theo đánh giá tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng theo từng năm.
Ông Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã đặt ra hàng hoạt vấn đề về công tác PCCC trên địa bàn, nhất trong các khu ông nghiệp. Cụ thể như việc vận hành các thiết bị thường xuyên còn yếu; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra ra cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng; vấn đề tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng PCCC ở cơ sở... Các sở, ngành liên quan của tỉnh cũng đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến, vướng mắc, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước để đoàn giám sát tiếp thu nhằm hoàn thiện các chính sách pháp luật về phòng cháy chữa cháy trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Văn Nam khẳng định tỉnh Bình Dương luôn quan tâm đến công tác phòng cháy và chữa cháy, coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần đảm bảo an toàn cho nhân dân cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó thời gian qua tỉnh luôn quan tâm, đầu tư trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng cháy, chữa cháy để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, ông cũng nêu lên những băn khoăn đó là vấn đề nhân sự, đội ngũ cán bộ chuyên trách đủ năng lực, trình độ chuyên môn để có thể vận hành, phát huy tối đa hiệu quả đối với hệ thống, trang thiết bị phương tiện cho công tác phòng cháy, chữa cháy tại địa phương.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện PCCC trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đồng thời lưu ý, công tác PCCC của tỉnh vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: Bình Dương vẫn còn 12 khu công nghiệp chưa xây dựng phương án PCCC những vẫn đưa vào hoạt động; còn đến 63% đội dân phòng PCCC ở cơ sở chưa được tâp huấn … Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp cần xác định công tác PCCC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Ngành chức năng tỉnh cần phân tích các nguyên nhân, tồn tại và rút ra bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn công tác PCCC, nhất là đưa PCCC vào nghị quyết HĐND để thống nhất chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác PCCC trong thời gián tới.
MINH DUY