Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Kiến nghị cần có giải pháp phục vụ người dân, doanh nghiệp trong chuyển đổi số
(BDO) Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết qua khảo sát cho thấy kiến thức về chuyển đổi số (CĐS) của một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức cấp xã chưa được trang bị đầy đủ, nhận thức về CĐS chưa cao. Các chương trình, kế hoạch về CĐS chưa xác định được ngành, lĩnh vực cần ưu tiên, tập trung phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, điều kiện và năng lực của xã hội.
Bên cạnh đó, một số sở, ngành, địa phương chưa xây dựng kế hoạch thực hiện CĐS theo báo cáo của UBND tỉnh; một số chỉ tiêu trong kế hoạch CĐS chưa được tập huấn, hướng dẫn và phương pháp đánh giá, khảo sát định kỳ gây khó khăn cho cơ sở trong quá trình thực hiện.
Công tác tuyên truyền về CĐS mặc dù được quan tâm thực hiện thường xuyên, tuy nhiên nội dung tuyên truyền còn chưa cụ thể nên phần nào gây khó hiểu, người dân, doanh nghiệp khó áp dụng. Hạn chế này cũng được phản ánh trong kết quả khảo sát khi 78,5% doanh nghiệp có mức độ quan tâm và rất quan tâm đến CĐS nhưng 40% doanh nghiệp phản ánh không hiểu nhiều về CĐS; chưa xây dựng được các chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp CĐS cũng như hình thành được đội ngũ tư vấn doanh nghiệp về CĐS.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận thấy đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới, kinh nghiệm chưa có nhiều, nguồn lực tổ chức thực hiện chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu nên chưa có sự chuyển biến rõ nét trong quá trình thực hiện. Nhiều kết quả đạt được chỉ dừng lại ở mức độ số hóa mà chưa phải là CĐS một cách thực chất. Do đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có kiến nghị với Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong đó chú trọng đề nghị các giải pháp khả thi, thực tiễn, đáp ứng yêu cầu CĐS phục vụ cho người dân.
HỒ VĂN