Đô thị văn minh, nông thôn khởi sắc

Thứ bảy, ngày 06/04/2024

(BDO)  Là một trong những tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh của cả nước, thời gian qua Bình Dương chú trọng công tác chỉnh trang đô thị và lồng ghép thực hiện Đề án 02 (Công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025). Mục tiêu của Bình Dương là từng bước xây dựng địa phương trở thành nơi đáng sống và muốn sống của mọi tầng lớp nhân dân. Kết quả của quá trình chỉnh trang đô thị kết hợp thực hiện Đề án 02 đem lại là diện mạo thành thị, nông thôn của tỉnh đã có sự thay đổi theo hướng đô thị văn minh, nông thôn khởi sắc.

 Xác định chỉnh trang đô thị phải đi cùng với xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh nên từ tháng 6-2021, Bình Dương đã đưa vào thực hiện Đề án 02. Sau 3 năm thực hiện, Đề án 02 đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Theo đó, cảnh quan môi trường đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp; việc xây dựng công trình, nhà ở trái phép được ngăn chặn kịp thời; ý thức xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong nhân dân được nâng lên. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo, linh hoạt trong triển khai thực hiện chỉnh trang đô thị gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng đô thị văn minh, bảo đảm các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao phù hợp với tình hình thực tế và đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh nên các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là tại các thành phố phía nam của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Khó khăn lớn nhất được xác định là do vẫn còn một số khu dân cư tự phát xây dựng trên đất nông nghiệp nên khó quy hoạch, chỉnh trang theo kế hoạch. Cùng với đó là ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa cao; quảng cáo, rao vặt trái phép còn diễn ra; việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để buôn bán còn tồn tại. Nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ dân sinh tại địa phương còn khó khăn. Những khó khăn, thách thức đó đã ít nhiều cản trở, làm chậm tiến trình xây dựng Bình Dương trở thành nơi đáng sống.

Để giải quyết những khó khăn, thách thức nói trên, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương cũng đã nhiều lần ngồi lại, cùng nhau bàn bạc tìm giải pháp cho vấn đề này. Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra cho từng lĩnh vực, hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Một trong những giải pháp được lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và địa phương quan tâm là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia chỉnh trang đô thị và thực hiện Đề án 02 theo hướng “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Cùng với giải pháp nói trên, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cũng được xác định là giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác chỉnh trang đô thị.

Thông qua kiểm tra, giám sát, ngành chức năng sẽ kịp thời phát hiện, điều chỉnh hoặc tham mưu lãnh đạo tỉnh ban hành nghị quyết để xây dựng diện mạo nông thôn, đô thị ngày càng khang trang, khởi sắc. 

 LÊ QUANG