Đô thị thông minh trong thời đại 4.0
(BDO) Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng trong những năm gần đây diễn ra với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đang bùng phát mạnh mẽ. Để giải quyết những khó khăn, thách thức của quá trình đô thị hóa, theo các chuyên gia, đòi hỏi trước tiên là phải kết hợp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quá trình xây dựng và phát triển đô thị, biến các thành phố đang được xây dựng thành những thành phố thông minh.
Thực tế cho thấy, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh đã và đang kéo theo những khó khăn, thách thức về công tác quản lý quy hoạch trong quá trình xây dựng và phát triển; cung cấp hiệu quả các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên về đất đai và giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường... Để giải quyết những khó khăn đó của quá trình đô thị hóa, cần phải áp dụng công nghệ thông minh vào quá trình xây dựng và phát triển đô thị. Xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh không chỉ tạo ra giải pháp đột phá cho những vướng mắc tồn tại nói trên, mà còn giúp các đô thị của Việt Nam bắt kịp với xu hướng phát triển bền vững như các đô thị trên thế giới. Tuy nhiên, để xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh trong giai đoạn hiện nay là điều không hề dễ dàng.
Khó khăn trước tiên của các địa phương là tại Việt Nam hiện nay chưa có bất kỳ một hình mẫu nào về đô thị thông minh để học hỏi. Tùy vào điều kiện thực tế của các đô thị mà lãnh đạo từng địa phương đề ra giải pháp xây dựng và phát triển đô thị thông minh dựa vào từng lĩnh vực cụ thể. Việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh vì thế chưa bao trùm nhằm giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc của quá trình đô thị hóa. Khó khăn tiếp theo của các địa phương là việc lựa chọn công nghệ thông minh để áp dụng vào quá trình xây dựng và phát triển đô thị. Xây dựng một đô thị thông minh, cao hơn là một thành phố thông minh, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, nhưng với tốc độ bùng phát mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ sẽ nhanh chóng lạc hậu và có khi đô thị vừa xây dựng xong thì công nghệ đã lạc hậu, bị đào thải và buộc phải thay đổi!
Khác với các địa phương khác trong cả nước, Bình Dương đang hướng đến việc xây dựng thành phố thông minh theo hướng đi riêng. Mặc dù vẫn là tích hợp công nghệ vào quá trình xây dựng và phát triển để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của quá trình đô thị hóa, nhưng Bình Dương chọn thực hiện mô hình đô thị thông minh dựa vào “ba nhà” (Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp). Trong đó, Nhà nước giữ vai trò “bà đỡ”, định hướng phát triển thông qua công tác quy hoạch phát triển đô thị, cấu trúc đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị… hướng đến mục tiêu đã đề ra. Nhà khoa học giữ vai trò hạt nhân tri thức sáng tạo. Nhà doanh nghiệp sẽ là trụ cột của việc xây dựng đô thị thông minh. Thuận lợi của Bình Dương trong quá trình thực hiện mô hình là thành phố mới được lựa chọn làm vùng lõi phát triển để nhân rộng dần ra.
Với cách tiếp cận và những thuận lợi như trên, hy vọng Bình Dương sẽ thực hiện thành công mô hình đô thị thông minh.
LÊ QUANG