Đỗ Thị Phương Thúy: Cô giáo như mẹ hiền
(BDO) Dạy học là một nghề cao quý trong số những nghề cao quý được xã hội công nhận. Với tính chất nghề nghiệp đặc biệt, “sản phẩm” của người thầy chính là lớp học trò có tri thức, nhân cách, nên người thầy càng được xã hội tôn vinh. Đã chọn nghề này thì hầu hết các nhà giáo đều “tận tâm, tận tụy, tận lực, tất cả vì học sinh (HS) thân yêu”. Đỗ Thị Phương Thúy, giáo viên trường Tiểu học Phước Vĩnh A (huyện Phú Giáo) là một điển hình.
Thương trò như con
Chúng tôi đến thăm lớp cô Thúy chủ nhiệm đúng vào giờ ra chơi. Lẽ ra sau mấy tiết dạy mệt mỏi, giáo viên tranh thủ nghỉ ngơi để tiếp tục đứng lớp, nhưng cô Thúy thì khác, cô lân la trò chuyện với các học trò nhỏ của mình. Có những em nữ buổi sáng vội đến trường đầu tóc chưa gọn gàng, cô chải và buộc tóc lại cho các em. Những em tỏ ra mệt mỏi thì cô thăm hỏi, động viên. Cô tâm sự, các em từ chỗ vừa học vừa chơi ở mẫu giáo, khi mới bước vào lớp 1, cấp học đầu tiên của bậc phổ thông nên các em còn nhiều bỡ ngỡ. Dù HS đã được giáo viên mẫu giáo chuẩn bị tâm thế trước khi vào lớp 1, nhưng nếu không có sự ân cần, chu đáo của người thầy thì các em khó hòa nhập với môi trường học mới. Hiểu được tâm lý đó của HS, như người mẹ thứ 2 ở trường, cô Thúy nhỏ nhẹ, dịu dàng dạy các em, từ việc thực hiện nề nếp, nội quy trường lớp, đến việc dạy chữ.
Cô Đỗ Thị Phương Thúy nắn nót rèn chữ cho học sinh. Ảnh: H.THÁI
Quan sát một tiết dạy rèn chữ của cô, chúng tôi mới thấy sự tận tâm, tận lực của cô đối với học trò. Cô đến từng bàn xem các em viết, cầm tay chỉ dạy các em từng nét chữ. Lớp có trên 40 HS, nhưng em nào cũng được cô quan tâm đến. Những em tiếp thu chậm càng được cô quan tâm nhiều hơn. Theo cô Thúy, để dạy được HS có khả năng và phương pháp tự học thì bản thân thầy cô cũng phải tự học, tự rèn để hoàn thiện về năng lực chuyên môn, có am hiểu về kiến thức chuyên sâu, có phương pháp truyền đạt khoa học. Vì thế, trong mỗi giờ học cô luôn tìm tòi những cách truyền đạt kiến thức một cách rõ ràng, ngắn gọn nhưng luôn gần gũi và dễ hiểu nhất để các em có thể nắm được bài học và nhớ lâu hơn. Cô luôn gần gũi với HS, quan tâm đến từng em trong cả giờ học lẫn giờ chơi là cách tốt nhất để người giáo viên hiểu được các em và có những biện pháp giáo dục phù hợp nhất đối với từng đối tượng HS của mình.
Năng lực của người thầy
Là một giáo viên tận tâm với nghề, cô Thúy luôn quan tâm bồi dưỡng HS giỏi. Theo cô, công tác bồi dưỡng HS giỏi, HS năng khiếu là một nhiệm vụ không thể thiếu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài cho nhà trường nói riêng, cho địa phương nói chung. Cô Thúy ví von, việc phát hiện và tuyển chọn HS giỏi, năng khiếu là khâu quan trọng chẳng khác gì khâu “chọn giống của nhà nông”. Do đó, trong giảng dạy, phương châm của cô là “Phải làm cho HS yêu thích, hứng thú học tập thì mới có hiệu quả trong giảng dạy”. Chính trong việc say mê, hứng thú học tập, các em mới bộc lộ được khả năng của mình để từ đó giáo viên phát hiện những ưu, khuyết điểm của từng đối tượng HS để xây dựng kế hoạch, biện pháp giáo dục, bồi dưỡng.
Theo cô Thúy, trong công tác bồi dưỡng năng khiếu chữ đẹp, để thực hiện tốt công tác này, giáo viên không chỉ trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cơ bản về chữ viết mà bản thân người giáo viên cần phải rèn cho mình tính kiên trì, bền bỉ, tỉ mỉ. Rèn luyện một cách thường xuyên, liên tục, trong tất cả các môn học, không nên xem nhẹ bất kỳ môn học nào. Một yếu tố không thể thiếu để tạo nên sự thành công của giáo viên đó là lòng đam mê và năng khiếu về viết chữ đẹp.
Ngoài việc rèn chữ cho HS cả lớp trong từng tiết học, cô còn xây dựng kế hoạch, biện pháp bồi dưỡng riêng cho những HS có năng khiếu vượt trội. Để giúp các em có năng khiếu phát huy được năng lực vốn có của mình cô thường có những buổi tập trung riêng để hướng dẫn các em. Khi luyện chữ viết cho các em tham gia các hội thi thì sự rèn luyện chăm chỉ, tỉ mỉ là chiếm phần lớn. Ngoài ra, cô còn phối hợp với phụ huynh cùng ôn luyện cho các em ở nhà để đạt kết quả cao trong các cuộc thi. Với những nỗ lực, cố gắng của thầy và trò, trong những năm qua HS lớp cô đạt nhiều thành tích trong phong trào Viết chữ đẹp cấp huyện và cấp tỉnh.
Cô Trần Thị Minh Huệ, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Phước Vĩnh A:
Nhà trường rất hài lòng khi có những giáo viên tận tâm như cô Thúy. Với kinh nghiệm dạy lớp một, cùng với năng lực tốt, những năm qua chất lượng giảng dạy lớp cô Thúy đồng đều, đạt nhiều thành tích nổi bật về chất lượng. Nhờ sự rèn giũa của cô Thúy, HS lớp cô đa số viết chữ đẹp.
Như người mẹ hiền thứ hai, cô Thúy còn tỉ mỉ chăm sóc HS đến bữa ăn, giấc ngủ. Cô còn mua sắm sẵn viết, dụng cụ học tập phát cho HS những khi các em thiếu hoặc quên mang đến lớp. Từ đó cô Thúy tạo được uy tín với đồng nghiệp và phụ huynh HS. Riêng cô, năm học 2012-2013 cô đã đạt giải III cuộc thi giáo viên dạy giỏi Giải thưởng Võ Minh Đức do Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức.
ÁNH SÁNG