Đo đạc bản đồ thực hiện những thủ tục liên quan đất đai: Những kiến thức người dân cần biết
(BDO) Thời gian qua khi triển khai lĩnh vực đo đạc bản đồ thực hiện những thủ tục liên quan đến đất đai, có nhiều ý kiến bức xúc của người dân xoay quanh vấn đề trích lục địa chính... Để biết thêm vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Trần Đức Thuận, Trưởng phòng Đo đạc bản đồ và Viễn thám Chi cục Quản lý đất đai tỉnh (ảnh) đã cho biết những kiến thức người dân cần biết khi thực hiện lĩnh vực này.
Thời gian qua, khi tổ chức, người dân thực hiện các quyền trong lĩnh vực đất đai, nhất là chuyển nhượng nguyên thửa hoặc chuyển nhượng tách thửa, yếu tố cần thiết đầu tiên là phải có mảnh trích lục địa chính, mảnh trích đo địa chính, mảnh trích lục địa chính có đo đạc chỉnh lý. Trong quá trình triển khai thực hiện việc lập mảnh trích lục địa chính, mảnh trích đo địa chính, mảnh trích lục địa chính có đo đạc chỉnh lý thường chiếm nhiều thời gian nên gây bức xúc cho người dân.
Vấn đề ở chỗ là ngoài thời gian chờ đợi, kinh phí cũng là vấn đề người dân quan tâm, như mảnh trích lục địa chính (kinh phí người dân phải trả chỉ từ 200.000 - 300.000 đồng) so với trích đo, trích lục địa chính có đo đạc chỉnh lý (kinh phí hơn 1 triệu đồng) cho thửa đất của mình.
- Ông có thể cho biết quyền của người dân trong lĩnh vực đất đai?
- Bình Dương là một tỉnh đi đầu cả nước trong vấn đề đo đạc, thành lập, chỉnh lý bản đồ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn quốc. Hệ thống bản đồ của Bình Dương được đo đạc bằng phương pháp toàn đạc là phương pháp có độ chính xác cao. Người dân khi thực hiện các quyền trong lĩnh vực đất đai cần đến bản trích lục địa chính đều được hệ thống văn phòng đăng ký đất đai thực hiện với chi phí thấp.
Trường hợp người dân có yêu cầu vì một lý do khác thì hệ thống văn phòng đăng ký đất đai mới thực hiện bản trích đo hoặc trích lục địa chính có đo đạc chỉnh lý. Từ năm 2012, để giảm bớt phiền hà do người dân phải bỏ ra một khoản tiền cao hơn để văn phòng đăng ký lập mảnh trích đo, trích lục địa chính có đo đạc chỉnh lý, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 2696/STNMT-ĐĐ ngày 28- 8-2012 nhằm hạn chế việc trích đo địa chính, trích lục địa chính có đo đạc chỉnh lý, gây tốn kém và bức xúc cho người dân, đồng thời tăng cường công tác trích lục địa chính.
- Cụ thể là như thế nào?
- Theo Hướng dẫn số 2067/ HD-VPĐK ngày 8-12-2017 của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương về việc thực hiện lập mảnh trích lục địa chính, mảnh trích đo địa chính, mảnh trích lục địa chính có đo đạc chỉnh lý và thẩm định mảnh trích lục địa chính, mảnh trích đo địa chính, mảnh trích lục địa chính có đo đạc chỉnh lý thì thời gian quy định, cụ thể là đối với mảnh trích lục địa chính: Cá nhân không được quá 5 ngày làm việc (nếu có khảo sát thì không quá 10 ngày); tổ chức không được quá 7 ngày làm việc (nếu có khảo sát không được quá 12 ngày). Đối với mảnh trích đo địa chính, mảnh trích lục địa chính có đo đạc chỉnh lý: Cá nhân không được quá 15 ngày làm việc; tổ chức không được quá 18 ngày làm việc.
- Khi cần liên hệ với ai, ở đâu, thưa ông?
- Một thành phần hồ sơ quan trọng để văn phòng đăng ký đất đai xuất mảnh trích đo địa chính, mảnh trích lục địa chính có đo đạc chỉnh lý cho tổ chức, cá nhân (trừ bản trích lục địa chính) là bản mô tả ranh giới mốc giới thửa đất. Theo quy định tại Hướng dẫn 3359/HD-STNMT ngày 14-8- 2017, bản mô tả ranh giới mốc giới thửa đất cần có chữ ký của các chủ sử dụng đất giáp ranh. Trường hợp không liên lạc được với chủ sử dụng đất liền kề thì UBND xã, phường, thị trấn, nơi có đất tiến hành công bố công khai trong thời gian 10 ngày liên tục, hết thời gian công khai nếu chủ sử dụng đất liền kề không có đơn tranh chấp về ranh giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đó.
Nếu cá nhân hoặc tổ chức có thắc mắc cần giải đáp hoặc thấy thời gian quá quy định, thái độ của nhân viên đo đạc thuộc hệ thống văn phòng đăng ký đất đai thì có thể gọi về đường dây nóng giải đáp những vấn đề liên quan: Ông Nguyễn Hoàng Anh, ĐT: 0913.056391 để được kịp thời giải quyết.
MINH HIỀN (thực hiện)