Đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ: Nguy hiểm cho người sử dụng

Thứ hai, ngày 09/02/2015

Những ngày cận tết, những loại đồ chơi trẻ em xuất hiện dày đặc tại các cửa hàng, trên kệ của người buôn bán dạo và những hàng quán trước cổng trường học. Những món đồ chơi thu hút các em học sinh vì đa dạng về hình dáng, màu sắc. Cả người bán lẫn người mua đều mù mờ vềnguồn gốc xuất xứ của những loại đồ chơi vàcũng không quan tâm đa phần các món đồ này có tính chất kích động bạo lực, làm ảnh hưởng nhân cách của trẻ em. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương, ngành chức năng đã quyết liệt vào cuộc xử lý tình trạng kinh doanh mặt hàng này.

(BDO)

 

Một điểm bán súng bắn bong bóng lưu động tại ngã tư cầu Ông Cộ Ảnh: T.QUANG

 Đồ chơi nguy hiểm

Chiều theo ý con, chị Nguyễn Thị Thúy (quê Phú Thọ, đang ở trọ tại phường Bình Hòa, TX.Thuận An) đã mua một cây súng nhựa giá 170.000 đồng từ một người bán dạo. Chỉ sau 1 tuần sử dụng, cậu con trai 7 tuổi của chị đã bị bỏng tay do những viên pin từ trong súng nhựa phát cháy. Chị Thúy cho biết, ngoài vỏ của sản phẩm được in chữ Trung Quốc kèm theo tiếng Anh hướng dẫn sử dụng. Người bán hàng nói sản phẩm này được nhập từ Trung Quốc. “Lần đầu tiên tôi mua đồ chơi cho con từ một người bán hàng dạo. Lúc đầu, con tôi sử dụng súng rất bình thường. Khi bóp cò, súng lần lượt phát ra nhiều âm thanh giống như còi hú của xe cảnh sát, xe cứu thương… và có nhiều màu sắc rất đẹp. Sau một tuần sử dụng, còi súng bắt đầu yếu dần và những viên pin trong súng phát cháy gây ảnh hưởng đến tay của con tôi”.

Từ thực tế cho thấy, hiện nay ở nhiều địa phương trong tỉnh, đồ chơi dành cho trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ xuất hiện ở các cửa hàng bán đồ chơi cho trẻ, bán lưu động tại các ngã ba, ngã tư và cạnh trường học. Điều đáng nói là những loại sản phẩm này có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Một người bán súng bắn bọt bong bóng tại ngã tư cầu Ông Cộ (thuộc đại lộ Bình Dương) cho biết: “Các loại súng mang hình thù con cá, con thú và cả bình nước bọt dùng để bắn ra bong bóng tôi mua ở TP.Hồ Chí Minh về bán. Đây là sản phẩm có xuất xứ từTrung Quốc, có tác hại hay không thì tôi không rõ”. Theo người này, thời gian trước tết, nhiều bậc phụ huynh thích mua những sản phẩm này về cho trẻ chơi. Anh ước tính mỗi ngày bán được khoảng 30 cây súng bắn bọt bong bóng và nhiều loại súng khác.

Cảnh giác với đồ chơi bạo lực

Bác sĩ Trần Thị La, công tác tại Phòng khám mắt Liên chuyên khoa, Trung tâm Y tế TX.Thuận An cho biết, ngoài việc trẻ em chơi những trò chơi mang tính kích động bạo lực sẽ làm ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ, các bậc phụ huynh cũng nên cho trẻ tránh xa những đồ chơi nếu có hóa chất độc hại; hoặc những đồ chơi có nhiều màu sắc và tiếng ồn… vì những trò chơi này sẽ ảnh hưởng đến mắt và thính giác của trẻ. “Ngành y khoa cũng khuyến cáo phụ huynh không nên cho trẻ dùng điện thoại cảm ứng để chơi trò chơi nhiều. Vì trên màn hình của những chiếc điện thoại này có nhiều màu, nếu trẻ tiếp xúc nhiều với màn hình của điện thoại đa màu sắc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mắt của trẻ. Còn đối với những đồ chơi như súng bắn bong bóng, nếu nước dùng bắn bong bóng có chứa chất hóa học độc hại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mắt của trẻ”.

Ông Lê Hữu Thọ, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, TX.Thuận An cho biết, nhằm ngăn chặn hàng lậu nói chung và đồ chơi cho trẻ em nói riêng, vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, TX.Thuận An đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó công an là lực lượng nòng cốt để tổ chức kiểm tra các điểm kinh doanh. Theo đó, đối với những đồ chơi mang tính kích động bạo lực, ảnh hưởng giáo dục nhân cách của trẻ như súng, kiếm, pháo nổ và cung tên… sẽ bị thu giữ và xử lý theo pháp luật. Theo ông Thọ thì năm 2014, đơn vị chưa phát hiện và xử lý trường hợp nào vi phạm. Ông Thọ cũng cho biết đối với những trường hợp buôn bán đồ chơi trẻem lưu động không có giấy phép kinh doanh, đơn vị rất khó xử lý.

Trong khi đó, ông Trần Chí Cường, Đội trưởng Đội QLTT TX.Dĩ An cho biết, sau thời gian đội liên ngành TX.Dĩ An mở đợt tuần tra cao điểm, đến nay đã kiểm tra 28 cơ sở buôn bán đồ chơi trẻem. Qua đó, đơn vị đã xử lý 2 trường hợp vi phạm; thu giữ 40 cây súng nhựa và 14 cây kiếm nhựa. “Sau thời gian đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức kiểm tra, đến nay, tình trạng mua bán đồ chơi gây nguy hiểm cho trẻ trên địa bàn TX.Dĩ An đã giảm khoảng 90% so với trước. Để ngăn chặn việc mua bán đồ chơi gây nguy hiểm cho trẻ, tới đây, đơn vị tiếp tục tổ chức kiểm tra các điểm kinh doanh còn lại và cho ký cam kết không kinh doanh mặt hàng gây kích động, ảnh hưởng nhân cách của trẻ”.

Theo ông Cường, để đạt được hiệu quả cao trong công tác này, thời gian tới, Đội QLTT TX.Dĩ An kết hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền giúp người dân nhận thức đúng về việc sử dụng đồ chơi cho trẻ.

 THANH QUANG