DN châu Âu vẫn lạc quan với môi trường đầu tư ở Việt Nam
Kết quả khảo sát chỉ số kinh doanh (KD) của các doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam quý II-2011, do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố cho thấy, triển vọng KD - đầu tư trong DN châu Âu tuy đã giảm nhưng niềm tin, cũng như mức độ lạc quan vẫn được duy trì. Chiến lược phát triển kinh tế hiện nay của Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng cần phải được thực thi nhất quán, đồng bộ trong thời gian tới.
Quan tâm lạm phát
So với kết quả khảo sát gần đây nhất, các nhà đầu tư, công ty và tập đoàn của châu Âu đang có mặt tại Việt Nam đã có sự cân nhắc dù phản hồi vẫn cho thấy những dấu hiệu tích cực. Phần lớn các DN đánh giá tình hình hiện tại của họ là “tốt” hoặc “trung bình”. Số DN cho biết tình hình KD đạt được là “trung bình” tăng từ 19% lên 28%, trong khi những đánh giá cho rằng tình hình KD “tốt” hoặc “xuất sắc” đã giảm xuống 56% so với kết quả 64% trong cuộc khảo sát hồi quý IV-2010.
Các chuyên gia tại cuộc họp công bố kết quả khảo sát Vấn đề mà DN châu Âu lo ngại nhất hiện nay tại Việt Nam là chi phí KD; lạm phát đang ngày một tăng và tính ổn định của đồng tiền Việt Nam. Theo các cuộc khảo sát trước đây, nhà đầu tư nước ngoài nhìn Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để làm ăn KD, đầu tư, nhưng giờ khi mà tình hình kinh tế có nhiều biến chuyển, họ đang rất thận trọng và cân nhắc nhiều vấn đề khi muốn mở rộng hoat động KD hoặc thực hiện một dự án đầu tư quy mô lớn. Nhận định của các chuyên gia kinh tế, EuroCham sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm nay. Bởi, các công ty châu Âu luôn muốn mang đến Việt Nam những dự án có chất lượng, lâu dài.
Tiến sĩ Matthias Duehn, Giám đốc Điều hành EuroCham, cho biết, cuộc khảo sát cho thấy các công ty thành viên lạc quan hơn về sự tăng trưởng kinh tế trong các lĩnh vực hoạt động của họ và vẫn tăng cường kế hoạch đầu tư vào Việt Nam với những dự án quy mô lớn và dài hạn. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư châu Âu đều rất quan tâm đến tình hình lạm phát của Việt Nam. Do vậy, EuroCham tin tưởng rằng thách thức trọng tâm cho Chính phủ Việt Nam trong năm nay là làm thế nào duy trì được tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt quan trọng là cân bằng sự phát triển và lạm phát.
Cùng với ý kiến trên, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho rằng thông qua Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - EU lần thứ nhất vừa diễn ra tại Jakarta (Indonesia), nhiều nhà đầu tư chưa có mặt ở Việt Nam cũng quan ngại về vấn đề trên khi họ tìm đến ông tham vấn về kế hoạch đầu tư dài hạn vào Việt Nam. Điều mà cộng đồng DN châu Âu quan tâm nhất hiện nay là vấn đề đâu là nơi tốt nhất có khả năng cạnh tranh cao nhất cho các nhà đầu tư trong các nước ASEAN, từ đó họ mới hoạch định và điều chỉnh lại chiến lược đầu tư của mình. Trong suy nghĩ của nhà đầu tư châu Âu thì Việt Nam vẫn là điểm đến thứ 2, sau Indonesia, để họ tiếp tục KD và đầu tư.
Vẫn lạc quan
Theo ghi nhận của nhiều nhà đầu tư, các DN nước ngoài thường gặp rất nhiều khó khăn khi đối mặt với thách thức mất giá đồng tiền, hụt nguồn cung ngoại tệ và tỷ lệ lạm phát cao, thì nhiều nhà đầu tư khắp thế giới vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Mặt khác, tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam và sự nổi lên của tầng lớp trung lưu ngày một nhiều đang là một hấp lực cho DN châu Âu quay trở lại Việt Nam và tham gia mạnh mẽ vào thị trường. Có một yếu tố quan trọng làm tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi, khả năng đóng góp vào sự tăng trưởng toàn cầu trong 2 thập kỷ tới sẽ rất khả quan.
Theo nhận định của ông Peter Born, Thành viên điều hành EuroCham thì DN châu Âu tin tưởng rằng Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế mới nổi đóng góp tốt nhất cho tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của thế giới. Với dân số gần 90 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang gia tăng và thu nhập ngay một được cải thiện, tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế Việt Nam có khả năng sẽ đạt được khoảng 7% nếu như chính phủ thực thi các chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô một cách nghiêm túc và tăng cường lòng tin vào đồng tiền Việt Nam.
THUẬN HẢI
Theo ghi nhận của EuroCham, chính sách phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đánh giá là đi đúng hướng, phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam nhưng cần phải thực hiện một cách nhanh, mạnh và đồng bộ hơn nữa. Nhiều nhà đầu tư châu Âu vẫn còn chờ đợi những thay đổi trong chính sách, chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam khi mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu có hiệu lực trước khi quyết định đầu tư vào đây.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng vẫn khá lạc quan vào môi trường đầu tư tại Việt Nam, với 51% muốn gia tăng khoản đầu tư của họ và 26% sẽ duy trì kế hoạch đầu tư như dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, so với quý cuối năm 2010, số công ty thành viên EuroCham có ý định muốn “gia tăng đầu tư đáng kể” đã giảm mạnh từ 32% xuống 18%, trong khi phản hồi về việc gia tăng “không đáng kể” trong kế hoạch đầu tư đã tăng từ 35% lên 41%.