Định vị lại không gian phát triển kinh tế - xã hội
(BDO) Bình Dương là một trong những tỉnh, thành có tốc độ phát triển kinh tế cao, dẫn đầu cả nước, trong đó có sự đóng góp rất lớn từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN). Cộng đồng DN xem việc nghiên cứu và đóng góp vào quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tiền đề để DN phát triển trong giai đoạn mới.
Đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh phát biểu tại hội nghị đóng góp ý kiến vào quy hoạch tỉnh
Phát triển cân bằng
Qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đạt được nhiều thành tựu phát triển. Tuy nhiên, hiện tỉnh vẫn còn một số điểm nghẽn, thách thức cần phải thay đổi, chuyển đổi, kể cả định vị, định hướng lại một cách toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bố trí không gian mới cho phù hợp với thế và lực của tỉnh.
Kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội (VIUP), đại diện đơn vị tư vấn, cho biết quy hoạch đề ra 5 nhóm chiến lược tích hợp, bao gồm: Hợp tác phát triển vùng, đổi mới hệ sinh thái phát triển, phát triển xã hội, con người Bình Dương, phát triển xanh, tổ chức không gian phát triển.
Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn DN tỉnh, cho rằng quy hoạch cần dựa vào văn hóa, đặc điểm của đất và người Bình Dương. Trong đó có cả kinh tế - xã hội, văn hóa, tính cách để tạo dựng những không gian phát triển, mang bản sắc riêng. Về kinh tế, quy hoạch cần chú trọng phát triển hạ tầng đường sắt, ga Sóng Thần thành trung tâm logistics của vùng và cả nước như đúng lợi thế vốn có. Cần tận dụng “chất xám” của Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, nơi cung cấp 65% tổng nhân lực của ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của cả nước. Việc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh đóng trên địa bàn TP.Dĩ An là một lợi thế rất lớn của tỉnh. Tỉnh nên tận dụng nguồn lực trí thức này để thành lập “Công viên số”. Nơi đây sẽ là các trung tâm nghiên cứu phát triển Sky, trung tâm chuyên thiết kế và trung tâm phát triển phần mềm. “Công viên số” sẽ tạo ra một nguồn lực phát triển rất lớn cho Bình Dương.
Đối với ngành gốm sứ, ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ tỉnh, cho biết: “Gốm sứ Bình Dương là ngành nghề truyền thống và cũng là di sản quốc gia. Do đó, chúng tôi đánh giá cao việc quy hoạch lựa chọn khu vực Bố Lá (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo) làm cụm công nghiệp chuyên về gốm sứ. Tuy nhiên, diện tích dự kiến quy hoạch chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đề xuất phải mở rộng về quy mô, không chỉ là phục vụ sản xuất, mà gắn thúc đẩy phát triển về du lịch ngành nghề truyền thống này. Nếu bố trí chung với ngành vật liệu xây dựng thì không thể có hướng hỗ trợ phát triển vì rất ít điểm tương đồng”.
Nhà ở cho công nhân và người lao động là vấn đề được lãnh đạo các hiệp hội, DN quan tâm, nhất là trong điều kiện chính sách di dời công nghiệp lên phía bắc tỉnh. Bà Phạm Thị Xuân Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, cho biết: “Để thu hút người lao động, quy hoạch cần có tính đồng bộ, bên cạnh các khu, cụm nhà máy, cần quan tâm đến quy hoạch các dịch vụ liên quan như giáo dục, đào tạo nghề, nhà ở cho công nhân, người lao động, tính kết nối giao thông”.
Hiệp hội Du lịch tỉnh đề xuất tỉnh cần chú trọng hơn đến quy hoạch về du lịch và thương mại - dịch vụ tương xứng với sự phát triển của tỉnh. Cần có chiến lược khai thác tiềm năng về hệ thống các sông lớn, các di tích lịch sử, văn hóa, góp phần tạo ra nhiều khu vui chơi giải trí cho người dân.
Hiệu quả và khả thi
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng đơn vị tư vấn tiếp thu, nghiên cứu, tổng hợp và bổ sung vào quy hoạch các ý kiến đóng góp của DN, hiệp hội. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến ở nhiều đối tượng khác nhau để có quy hoạch hiệu quả và khả thi nhất.
Ông Võ Văn Minh khẳng định quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai, tỉnh sẽ quy hoạch theo hướng tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Do đó, sẽ tái cơ cấu kinh tế để phát triển thương mại - dịch vụ đối với các khu đô thị phía nam. Chủ tịch UBND tỉnh rất mong các DN ủng hộ việc di dời nhà máy bên ngoài khu, cụm công nghiệp từ khu vực phía nam lên phía bắc để phục vụ cho nhu cầu tái cơ cấu kinh tế. Tỉnh sẽ có những chính sách ưu đãi cho DN di dời. Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu, căn cứ trên đặc thù của từng ngành có sự bố trí phù hợp như gần các tuyến đường trọng điểm Vành đai 3, Vành đai 5, các tuyến cao tốc thuận lợi vận chuyển hàng hóa.
“Đối với các khu, cụm công nghiệp, tỉnh đã quy hoạch 30 cụm công nghiệp theo chuyên đề, đáp ứng các quy định, như: Năng lượng sạch, Zero-Carbon, ít thâm dụng lao động, ít thâm dụng đất đai… Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng trong công tác quy hoạch về giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, công viên cây xanh, nghĩa trang, xây dựng đô thị, nhà ở xã hội…”, ông Võ Văn Minh thông tin.
Về quy hoạch đô thị, theo ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, hiện tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển 27 khu đô thị mới dọc theo các tuyến đường huyết mạch của tỉnh, dọc theo bờ sông Sài Gòn và Đồng Nai. Tỉnh đã làm việc và thống nhất với các tỉnh lân cận để xây dựng quy hoạch hài hòa, phát triển các đô thị mới này trở thành các đô thị xanh, hiện đại, đáng sống. Đối với các khu đô thị hiện hữu tại TP.Thuận An, TP.Dĩ An, tỉnh cũng có kế hoạch cải tạo và tái thiết sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng đề án phát triển đô thị cây xanh để cho mỗi người dân có thể thụ hưởng không gian cây xanh với diện tích trung bình là 8m2/người. Tỉnh cũng đã thông qua Đề án phát triển nhà ở xã hội, cùng với đó là hệ sinh thái hạ tầng liên quan.
Các DN cho rằng quy hoạch mới cần nâng cao tầm nhìn trong liên kết vùng. Ngoài giao thông đường bộ, quy hoạch cần chú trọng nhiều hơn đến phát triển giao thông thủy, nhất là sử dụng 2 sông Đồng Nai và Sài Gòn trong vận chuyển hành khách và hàng hóa. Hiện Trung ương đã có chủ trương về phương án chuyển sân bay Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng, quy hoạch mới cần tính đến phương án quy hoạch hạ tầng giao thông kết nối với sân bay này để tận dụng lợi thế. |
TIỂU MY - CẨM TÚ