Đình Tương Hiệp: Nơi lưu truyền nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng
(BDO) Trên địa bàn tỉnh có hàng trăm ngôi đình cổ tại các địa phương, trong đó nhiều đình đã được công nhận là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Gần đây nhất là đình Tương Hiệp, tọa lạc ở phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một vừa được công nhận là di tích cấp tỉnh.
Mặt tiền đình Tương Hiệp
Giá trị lịch sử
Theo những bậc cao niên trong Ban quý tế đình, vẫn chưa có tài liệu xác định rõ năm xây dựng đình Tương Hiệp. Tuy nhiên, dựa vào thời điểm xuất hiện địa danh Tương Hiệp cùng lời kể của thế hệ trước và một số hiện vật còn lưu giữ ở đình, như bức hoành phi có niên đại lâu nhất còn được lưu giữ tại đình (còn ghi Quý Mùi niên, quý thu nguyệt, tức tháng 9, năm Quý Mùi) cho thấy đình có thể được xây dựng khoảng năm 1883. Đình được vua ban sắc phong vào năm 1924.
Theo ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, đình Tương Hiệp là nơi còn lưu giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, là nơi có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa của người dân làng Tương Hiệp. Hình thành cách nay hơn 100 năm, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, đến nay đình Tương Hiệp vẫn còn bảo lưu được những giá trị về kiến trúc nghệ thuật truyền thống, hội tụ nhiều giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, phong cách kiến trúc nghệ thuật. Các mảng đề tài trang trí trong đình rất phong phú và đa dạng, tạo cho không gian nơi thờ tự vừa mang nét cổ kính, trang nghiêm nhưng cũng không kém phần lộng lẫy. Nghệ thuật trang trí bằng tranh vẽ sắc sảo, tinh tế và sinh động thể hiện qua những bức vẽ trên tường, các ban thờ; những họa tiết trang trí mang những đề tài gần gũi với thiên nhiên, với cuộc sống hàng ngày của người dân.
Với những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật còn lưu giữ, bảo tồn, đình Tương Hiệp đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào ngày 15-8-2023. |
“Đình Tương Hiệp là ngôi đình có kiến trúc độc đáo, là sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống với lối kiến trúc Pháp được du nhập vào Việt Nam lúc bấy giờ. Mặc dù được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, chịu ảnh hưởng không nhỏ của nghệ thuật phương Tây nhưng đình vẫn không làm mất đi cái hồn dân tộc trong không gian thờ cúng, trong sử dụng hoa văn, họa tiết trang trí. Ở đây, sự giao tiếp văn hóa Đông - Tây được chọn lọc, tiếp thu và vận dụng một cách hợp lý, tạo cho di tích một phong cách riêng, có sự bình dị, gần gũi giữa khung cảnh làng quê yên ả”, ông Lê Văn Phước nói.
Bên cạnh đó, đình còn lưu giữ hệ thống hoành phi, liễn đối trang trí với những thông điệp các bậc tiền nhân muốn gửi gắm, truyền dạy cho thế hệ sau. Đây cũng là nguồn sử liệu quan trọng trong việc nghiên cứu vùng đất, con người làng Tương Hiệp xưa.
Lưu giữ nét văn hóa
Đình Tương Hiệp có khuôn viên rộng rãi, cây cối xanh mát. Bên cạnh giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật, đình Tương Hiệp còn có giá trị rất lớn về văn hóa. Hiện đình Tương Hiệp còn giữ gìn được phần lớn nếp sinh hoạt văn hóa và nghi thức thờ cúng truyền thống, lễ hội của một đình làng Nam bộ. Các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng được tổ chức thường niên ở đình Tương Hiệp có ý nghĩa biểu đạt tâm linh, thể hiện khát vọng hướng thiện, ý thức tìm về cội nguồn dân tộc, là chất kết dính tình làng, nghĩa xóm ngày càng bền chặt.
Ông Lê Văn Phước cho rằng, việc đình được công nhận là di tích cấp tỉnh có ý nghĩa rất lớn. Đây là cơ sở để ngành văn hóa, chính quyền địa phương và Ban quý tế đình đẩy mạnh công tác phối hợp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác này cũng rất cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội nhằm góp phần tu bổ, phục hồi hạng mục kiến trúc của đình; từ đó góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và của địa phương, phục vụ cho việc giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
CẨM LÝ