Đình thần Vĩnh Phước: Ngôi đình cổ có giá trị về lịch sử - văn hóa

Thứ ba, ngày 23/12/2014

Đình Vĩnh Phước (phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên) là một trong những ngôi đình cổ hình thành và phát triển trên vùng đất Bình Dương gần 200 năm. Đình là một di tích lịch sử - văn hóa độc đáo mang đậm phong cách của ngôi đình Nam bộ. Đình lưu giữ được sắc phong của vua Tự Đức và còn bảo tồn được phần lớn nếp sinh hoạt, nghi thức thờ cúng truyền thống của đình làng Việt Nam.

(BDO)

Đình Vĩnh Phước, ngôi đình cổ còn lưu giữ một công trình chữ Hán Nôm rất có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa. Ảnh: ĐỨC LÊ

Ngôi đình cổ xưa hiếm có

Đình thần Vĩnh Phước tọa lạc trên đường 30/4, thuộc khu phố Vĩnh Phước, phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên (cách trung tâm tỉnh khoảng 13km về hướng bắc). Đến di tích có thể theo đường ĐT743 từ thành phố Thủ Dầu Một hướng về Đồng Nai đến trường Trung học cơ sở Thái Hòa quẹo trái vào khoảng 1km là đến Đình thần Vĩnh Phước. Giao thông đường bộ đến di tích được trải nhựa và khá thông thoáng thuận lợi cho các phương tiện đi lại.

Đình Vĩnh Phước nằm ở vị trí thuận lợi, gần đường dầu lớn, tham quan, cúng viếng dễ dàng. Đình được bao quanh là hệ thống đường đi nội bộ bằng bê tông và bao bọc bởi hàng rào bảo vệ kiên cố với cột xi măng cốt thép và rào kẽm gai bao quanh. Cổng chính vào đình được xây dựng theo kiểu cổng tam quan, các trụ xây bằng gạch, xi măng, cửa chính rộng khoảng 4m. Trên mái lợp ngói và trang trí hình lưỡng long chầu nhật. Trước mặt chính của đình là bức bình phong xây bằng gạch, đá vôi có chiều dài 2m, cao 1,5m. Trên bức bình có cột cờ Tổ quốc và cờ lễ, khắc tên những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc của địa phương. Về giá trị lịch sử - văn hóa, đình Vĩnh Phước còn lưu giữ một công trình chữ Hán Nôm còn lưu lại cho đến ngày nay như liễn đối tại đình, sắc phong. Ở đình Vĩnh Phước số liễn đối khá nhiều rất có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa.

Đình thần Vĩnh Phước trải qua nhiều thế hệ bảo quản, gìn giữ và tu bổ, nhưng vẫn giữ được nét cổ xưa của ngôi đình làng người Việt. Ảnh: ĐỨC LÊ

Đình có kết cấu theo kiểu chữ khẩu, với bộ khung làm bằng gỗ quý; các cột, kèo của đình chủ yếu là những loại gỗ như sao, xà cừ… dù đã trải qua năm tháng một số đã xuống cấp, nhưng đa số là còn nguyên vẹn. Đình được xây tường gạch bao quanh, lợp ngói móc, trang trí nhiều Hoành phi, Liễn đối bằng chữ Hán được thể hiện nhiều kiểu khác nhau; có cả chữ chân, chữ thảo, nửa chân, nửa thảo được sơn son thiếp vàng, cẩn ốc, sơn mài. Với nội dung phong phú, đa dạng ca ngợi công ơn thần thánh, công đức tổ tiên, quy luật tuần hoàn của tạo hóa, tạo nên ở đình thần không gian vừa trang nghiêm, cổ kính, vừa tĩnh lặng nên thơ pha lẫn nét sống hiện đại.

Theo bản sắc phong vua Tự Đức thứ V ban cho đình thần Vĩnh Phước hiện còn lưu giữ ở đình, 1853 là năm đình thần Vĩnh Phước được ban Sắc phong. Căn cứ vào cứ liệu này, thì năm 1853 là năm đình được ban sắc phong chứ không phải là năm đình thần xây dựng như nhiều người vẫn tưởng. Như vậy Đình thần Vĩnh Phước đã được xây dựng trước năm 1853, nhưng cụ thể năm nào thì không rõ; có thể khi mới được tạo lập, đình chỉ là một ngôi nhà nhỏ, đơn sơ đủ để dùng làm nơi thờ tự thần Thành Hoàng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng của thôn làng. Đến năm 1853, đình được triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong. Việc được ban sắc phong là niềm vinh dự, tự hào, là một sự kiện trọng đại đối với người dân làng Vĩnh Phước năm xưa, nên có lẽ các bô lão cùng bà con trong làng Vĩnh Phước đã nhân sự kiện trọng đại này mà tổ chức quyên góp công, của xây dựng lại ngôi đình có quy mô với đầy đủ thiết chế thờ tự như ngày hôm nay.

Còn lưu giữ nét cổ xưa

Với bề dày lịch sử gần 200 năm tồn tại, Đình thần Vĩnh Phước đã chứng kiến bao lần đổi thay địa giới hành chính của vùng đất này. Từ thôn Vĩnh Phước, xã Tân Ba, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa đến ấp Vĩnh Phước, xã Tân Ba, huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé rồi đến tỉnh Bình Dương. Nay là khu phố Vĩnh Phước, phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Tuy đã chứng kiến nhiều lần thay đổi địa giới hành chính từ thôn ấp đến xã, huyện và tỉnh nhưng tên Đình thần Vĩnh Phước vẫn được giữ nguyên từ khi khai sơn cho đến nay. Ông Nguyễn Đăng Nhiều (72 tuổi), người trông coi đình thần lâu năm cho biết trong quá trình tồn tại, Đình thần Vĩnh Phước trải qua nhiều thế hệ bảo quản, gìn giữ và tu bổ, nhưng vẫn giữ được nét cổ xưa của ngôi đình làng người Việt. Từ nhiều đời nay, đình Vĩnh Phước trở thành một điểm thờ cúng, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương quanh đình. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đình thần Vĩnh Phước không những là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, văn hóa cộng đồng mà còn là nơi hoạt động cách mạng của cán bộ, chiến sĩ trong làng như đồng chí Nguyễn Văn Đó, nguyên là Ca trưởng xã (Chủ tịch xã), đồng chí Nguyễn Văn Đốc và nhiều đồng chí khác. Cũng theo ông Nhiều mỗi năm đình cúng lễ Kỳ yên 2 lần vào ngày mùng 8-2 và ngày 18-8 âm lịch. Đây là dịp để người dân cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, làm ăn được mùa. Những ngày cúng đình thu hút đông đảo nhân dân trong vùng đến tham gia.

Đình Vĩnh Phước mang đậm tính chất của đình làng Việt Nam, có phong cách kiến trúc độc đáo. Đình là một di tích lịch sử - văn hóa mang đậm nét kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, đình còn lưu giữ sắc phong của vua Tự Đức. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, đô thị hóa một cách nhanh chóng tại miền Đông Nam bộ, nhất là ở Bình Dương, đình Vĩnh Phước càng trở nên một điểm hiếm có về mặt kiến trúc cảnh quan, còn giữ được nét đẹp dân dã, cổ kính khá tiêu biểu cho đình làng miền quê Nam bộ. Đình Vĩnh Phước là một trong những ngôi đình hiếm hoi còn giữ lại được nét cổ kính xưa nguyên vẹn cho tới ngày nay. Có thể nói ít có nơi nào ở miền Đông Nam bộ hiện nay, cái đẹp hiền hòa, bình dị của một làng quê Việt Nam còn lưu giữ như ở Đình thần Vĩnh Phước.

Bà Văn Thị Thùy Trang, Phó Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh cho biết, hiện đang làm hồ sơ để xếp hạng di tích cấp tỉnh cho đình Vĩnh Phước. Việc xếp hạng đình Vĩnh Phước có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc bảo tồn và phát huy những nét đẹp trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng đối với thế hệ hôm nay và mai sau, đồng thời tiếp tục thực hiện phương án bảo vệ và phát huy giá trị di tích của đình tốt hơn.

ĐỨC LÊ