Đình thần Tương Bình Hiệp: Giữ nguyên kiến trúc cũ sau nhiều lần trùng tu
(BDO) Trân trọng di tích văn hóa, lịch sử và trùng tu bằng cả cái tâm đối với di sản truyền thống cha ông để lại, các di tích càng được nâng cao giá trị hơn nữa. Đình thần Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một) là một nơi như thế và người dân nơi đây cũng rất tự hào về ngôi đình đã được công nhận di tích cấp tỉnh này...
Quang cảnh đình thần Tương Bình Hiệp
Ông Phan Văn Hữu, Trưởng ban Quản lý di tích Đình thần Tương Bình Hiệp, cho biết ông gắn bó với ngôi đình này từ lâu và chính thức trông coi, góp phần tôn tạo đình từ năm 2006. Một năm sau đó, năm 2007 (Đinh Hợi) thì Đình thần Tương Bình Hiệp được công nhận di tích cấp tỉnh. Đình tọa lạc tại khu phố 2, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương. Theo ông Hữu nhớ lại thì các bậc cao niên trong làng cho biết, đình có từ năm 1939 và lúc đó chỉ là xây dựng bằng tranh tre, nứa lá. Đình có 2 lần sửa chữa lớn vào năm 1982 và 10 năm sau đó, năm 1992 trùng tu một lần nữa. Đặc biệt mới đây, UBND TP.Thủ Dầu Một đã cấp kinh phí để trùng tu đình. Việc trùng tu được làm tỉ mỉ, cẩn thận để được giữ nguyên hiện trạng ban đầu của các hiện vật. Một số đồ thờ cúng như: Khám thờ, linh vị thần, câu đối, hoành, liễn, bao lam... đang được gửi về Huế để phục chế. Ban Quản lý đình, những người có nhiệm vụ liên quan cũng đã trực tiếp đến Huế để kiểm tra tiến độ, chất lượng của việc trùng tu này. “Hy vọng mọi việc suôn sẻ để kịp đưa về bài trí nguyên hiện trạng trước ngày cúng đình 12-10 âm lịch này”, ông Hữu chia sẻ.
Một điều đặc biệt cần được nhắc đến, đây là ngôi đình duy nhất ở vùng Đông Nam bộ thờ vị tiến sĩ khai hóa đầu tiên của toàn xứ Nam kỳ - Phan Thanh Giản. Ông là một danh sĩ, là đại thần triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam (từng làm quan qua 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức). Ông cũng là một nhân vật lịch sử và là nhà thơ, nhà sử học lớn của dân tộc từng gây tranh cãi trong việc luận công và tội.
Đến ngôi đình này, du khách sẽ lắng lòng với một kiến trúc đình làng Việt đặc trưng với gian thờ, đông lang, tây lang, với sân rộng và hàng cây cao rợp bóng mát. Ngay giữa ban thờ có hàng chữ “Phan tướng công linh thần” như để nhắc nhở cho con cháu đời sau nhớ về vị tiến sĩ, vị sĩ phu trượng nghĩa. Xưa, dân làng không chỉ ở vùng Tương Bình Hiệp mà các vùng lân cận của tỉnh Thủ Biên, Sài Gòn lục tỉnh cũng tìm về cúng viếng như thể hiện lòng tôn kính với vị quan cương trực, khảng khái, hiếu nghĩa và thanh liêm Phan Thanh Giãn.
Bà Trần Mỹ Lệ, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.Thủ Dầu Một cũng cho biết; TP.Thủ Dầu Một đã tiến hành khởi công công trình trùng tu di tích Đình Thần Tương Bình Hiệp vào năm 2017. Công trình trùng tu toàn bộ di tích Đình thần Tương Bình Hiệp lần này là một sự quan tâm, chú ý đến việc gìn giữ 6 di tích cấp tỉnh mà TP.Thủ Dầu Một đang được phân cấp quản lý. Tất cả được thực hiện theo tinh thần tôn trọng di tích, văn hóa truyền thống cũng như kiến trúc nguyên bản. Những hiện vật được chú ý đến từng chi tiết cho giống với ban đầu.
Bà Văn Thị Thùy Trang, Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh cho rằng; đình thần là một thiết chế văn hóa cổ truyền của người Việt Nam, hình thành từ khoảng đầu thế kỷ XV và sớm phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Theo dấu chân của người khai hoang lập ấp, đình thần xuất hiện ở Bình Dương vào khoảng cuối thế kỷ XVII và tồn tại phát triển cho đến ngày nay. Cũng theo bà Thùy Trang, đình Tương Bình Hiệp là một trong những ngôi đình giữ được nét kiến trúc cũ sau các lần trùng tu, bảo tồn. Bà cũng đánh giá cao việc đưa các hiện vật đi trùng tu tại TP.Huế. Bởi đây cũng là cái tâm cần có đối với việc gìn giữ thiết chế văn hóa truyền thống cho đời sau.
TP.Thủ Dầu Một có 11 di tích được xếp hạng gồm: 5 di tích cấp quốc gia: Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật nhà cổ ông Trần Công Vàng, kiến trúc nghệ thuật chùa Hội Khánh, kiến trúc nghệ thuật nhà cổ ông Trần Văn Hổ, kiến trúc nghệ thuật Nhà tù Phú Lợi, di tích Đình Tân An. Có 6 di tích cấp tỉnh: Đình Phú Cường, nhà Nguyễn Tri Quang, đình Tương Bình Hiệp, trường Mỹ thuật, lò lu Đại Hưng, mộ ông Võ Văn Vân. Ngày cúng đình Tương Bình Hiệp, ngày lễ lớn nhất ở đây, thu hút hàng trăm người về dự là ngày 12-10 âm lịch hàng năm.
QUỲNH NHƯ