Đình thần Dĩ An: Chứng tích văn hóa vượt thời gian

Thứ bảy, ngày 13/07/2019

(BDO) Dĩ An cổ miếu hay đình thần Dĩ An là một trong những di tích thuộc loại hình “di tích kiến trúc nghệ thuật” cấp tỉnh vừa được chứng nhận di tích cấp quốc gia. Đây là tin vui cho những người làm văn hóa, là niềm tự hào của người dân TX.Dĩ An.

 Giữa nhịp sống hối hả của người dân ở các khu công nghiệp phát triển mạnh mẽ trên địa bàn TX.Dĩ An ngày nay, đình thần Dĩ An trầm mặc, an nhiên ở đó như là dấu tích, chứng cứ của thời gian, của dòng lịch sử khai hoang, mở đất phương Nam của ông cha ta. Đình tọa lạc tại Khu dân cư Đại Nam, khu phố Nhị Đồng I, phường Dĩ An, TX.Dĩ An.

Theo sử liệu ghi lại, ngôi đình này được gọi là miếu bởi ban đầu chỉ dựng tạm bằng tranh tre, nứa lá. Khoảng năm 1838, khi dân số nơi đây đông hơn, người ta chung tay xây dựng ngôi miếu thành đình thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh (theo bản sắc phong của vua Tự Đức năm thứ 5 (1852) phong cho đình thần Dĩ An). Đình Dĩ An là nơi thờ Thành Hoàng cũng là nơi dân làng tổ chức hội hè, lễ bái hàng năm. Vào thời kỳ nhà Nguyễn, đình còn là nơi làm trụ sở hành chính của địa phương, là nơi làm việc của hương chức, hội tề.

Trải qua nhiều lần tu sửa, bảo quản, đình Dĩ An vẫn giữ được kiến trúc cũ, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian cho người dân địa phương. Từ năm 1972, Ban nghi lễ của đình đã được củng cố do ông Phạm Văn Duy (Bảy Duy) đào tạo, hướng dẫn và hoạt động các nghi lễ tín ngưỡng cho tới nay. Các lễ lớn của đình Dĩ An có thể kể đến như: Lễ Kỳ Bông (16-6 âm lịch) cầu cho mùa màng bội thu. Lễ Kỳ Yên (16-11 âm lịch) cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Ngoài ra, vào ngày 10-3 âm lịch hàng năm, ở đây còn tổ chức lễ Giỗ tổ Hùng Vương rất trang nghiêm, thành kính với rất đông người đến bái vọng, hướng về đất tổ với tấm lòng ẩm thủy tri nguyên, luôn nhớ về tổ tiên, nguồn cội.

Đình Dĩ An không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian cho người dân, đây còn là nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc ta, nhắc nhớ công ơn người đầu tiên đã tìm đến vùng đất trù phú này và đã giúp nó phát triển thành một đô thị như hôm nay. Theo lời kể của một số người cao niên thì Dĩ An xưa là một vùng đất rậm rạp, là rừng nguyên sinh, dân cư thưa thớt, do sự phát triển của Gia Định xưa nên người dân đã đi khai hoang nhằm phát triển kinh tế.

Ngôi đình hiện nằm trên một khu đất rộng hàng ngàn m2 với cây cối sum suê. Đến đây, nét đẹp xưa của đình làng Việt nói chung và đình làng Nam bộ nói riêng sẽ được hiện rõ. Cổng đình được xây theo kiểu tam quan, một cửa chính và hai cửa phụ mái bậc thang bên trong và bên ngoài được trang trí bằng hai vế đối chữ Hán Nôm và tô điểm thêm cho phần cổ kính đó là rất nhiều loài cây. Khuôn viên đình làm nên một không gian tôn nghiêm, tạo cho chúng ta một cảm giác bình yên với những nét cổ kính giữa chốn phồn hoa đô thị hiện đại.

Năm 2011, đình thần Dĩ An đươc cấp chứng nhận di tich văn hóa lịch sử cấp tỉnh và nay được chứng nhận di tích cấp quốc gia. Hy vọng đây sẽ là một trong những điểm đến tham quan, du lịch khi bạn bè khắp nơi muốn tìm hiểu về Dĩ An.

 Căn cứ Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và Nghị định số 98 của Chính phủ (năm 2010) về thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa… xét đề nghị của UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định công nhận về việc xếp hạng di tích quốc gia cho Đình thần Dĩ An vào ngày 28-3-2019. Đình sẽ làm lễ công nhận trang trọng theo đúng quy định trong thời gian gần đây.

 QUỲNH NHƯ