Đình thần Dĩ An - bản sắc và giá trị

Thứ bảy, ngày 16/01/2016

Trùng tu, sửa chữa, làm mới di tích một cách có văn hóa, tích hợp các hoạt động văn hóa mới nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống là bài toán nan giải mà các nhà quản lý văn hóa luôn tìm giải pháp. Đình thần Dĩ An, ngôi đình cổ nằm giữa lòng một thị xã có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh bậc nhất tỉnh đã làm được điều này.

(BDO)

 Cổng đình thần Dĩ An. Ảnh: Đ. THANH

 Giữ gìn vốn cổ

Đình thần Dĩ An (KP. Nhị Đồng 1, P.Dĩ An, TX.Dĩ An) xưa được gọi là Dĩ An cổ miếu. Gọi là “miếu” bởi ban đầu đình chỉ được dựng tạm bằng tranh, tre, nứa, lá, phục vụ cho nhu cầu tâm linh thiết yếu của những người con xa xứ tới vùng đất Dĩ An mở đất, lập làng. Khoảng năm 1838, khi dân số nơi đây đông hơn, cuộc sống khá giả, nhân dân trong vùng đã cùng nhau chung tay xây dựng lại miếu Dĩ An kiên cố và đổi tên gọi là Đình thần Dĩ An. Đến năm 1910, sau một đợt đại trùng tu, đình Dĩ An có được diện mạo khang trang như ngày nay. Năm 1852, Thành Hoàng đình đã được vua Tự Đức sắc phong và năm 2011, đình Dĩ An được công nhận là Di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Đình Dĩ An có lối kiến trúc chữ Nhất (-) với các dãy nhà liên tiếp nhau, gồm: Nhà Võ ca, Tiền điện, Chánh điện và Hậu điện. Sau này, dù trong khuôn viên đình có thêm nhiều công trình khác, song đình chính vẫn được giữ gìn nguyên vẹn và ở đó lưu giữ vẻ đẹp của nghệ thuật chạm khắc gỗ trên những bao lam, khán thờ, hoàng phi, câu đối; lưu giữ vẻ đẹp của nghệ thuật cẩn gốm sứ, nghệ thuật vẽ tranh sơn thủy cùng nhiều loại hình nghệ thuật khác.

Không chỉ có giá trị ở mặt kiến trúc, ý thức giữ gìn vốn cổ còn thể hiện trong nghi thức tế lễ. Hàng năm, đình Dĩ An có lệ cúng chính vào ngày 15 và 16-11 (âm lịch). Riêng vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu là những năm đáo lệ Kỳ Yên, đình Dĩ An tổ chức lễ hội lớn trong 3 ngày, từ ngày 14 đến 16-11 (âm lịch), có mời đoàn hát tham gia biểu diễn. Lệ cúng trong đình được trao truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ gồm các nghi thức: Hát bóng rỗi ở miếu 5 bà Ngũ Hành; lễ tế Vua Hùng; tế Tiền Hiền - Hậu Hiền; lễ tế Chiến sĩ và các bà mẹ VNAH; lễ Tống phong. Nghi cúng chính gồm một loạt các lễ tế Thỉnh Sanh, lễ tế Túc Yết và lễ tế Đàn Cả. Không những đầy đủ về số lượng, đặc biệt hơn nữa, trong mỗi nghi cúng trong đình lại có sự chuẩn mực trong từng nghi thức mà ở đó ta thấy được sự chỉn chu và ý thức giữ gìn từng nét đẹp văn hóa.

Cụ thể, lễ Hát bóng ở miếu Bà có 3 phần: Chầu mời thỉnh tổ, Hát rỗi và diễn chặp bóng tuồng Địa Nàng. Mỗi lễ tế đều có đầy đủ số lượng học trò lễ, tế đủ 1 tuần hương, 1 tuần đăng (đèn), 3 tuần rượu, 1 tuần trà, 1 tuần hoa quả; bước chân của học trò lễ, nhạc lễ, từng phần trong nghi thức hay văn cúng bằng chữ Hán... đều có thể được coi là những chuẩn mực trong nghi thức cúng đình thần.

Đằng sau mỗi nghi thức cúng tế không chỉ là sự đề cao thần quyền, thần lực mà còn là sự thể hiện lòng biết ơn của người sau đối với người trước, thể hiện nét đẹp văn hóa “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Vì vậy, việc gìn giữ hay thực hành nghi thức là biểu hiện của lòng tri ân đối với thế hệ trước và trách nhiệm trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống đối với thế hệ sau.

Giá trị kết nối cộng đồng

Từ năm 2000, Ban Quý tế đình Dĩ An đã cho đầu tư, sửa chữa, xây dựng thêm nhiều hạng mục mới: nhà khách, đền thờ năm bà Ngũ Hành, đền thờ Vua Hùng, đền thờ liệt sĩ và các bà mẹ VNAH; riêng đình Dĩ An được giữ nguyên kiến trúc cũ được xây dựng từ năm 1910. Có thể nói, đình Dĩ An đang tiến tới trở thành một quần thể di tích với nhiều công trình và nhiều đối tượng thờ. Nhưng điều đáng quý là mặc dù có thêm nhiều hạng mục mới nhưng đình vẫn giữ gìn các miếu và ban thờ cũ.

Trong khuôn viên đình, các công trình kiến trúc cũ và mới đan xen tạo nên một tổng thể hài hòa. Toàn bộ không gian trong đình vẫn u nhàn, tĩnh mịch, được bao bọc bởi rừng cây xanh mát quanh đình, tách biệt hẳn với phố thị ồn ào. Việc xây dựng thêm nhiều đền, điện mới nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh ngày càng phong phú, đa dạng và ngày càng lớn của người dân trong vùng. Ở đó có đình thờ Thành Hoàng là nơi thờ phụng của nam giới; có miếu thờ 5 bà Ngũ Hành, Diêu Trì Địa Mẫu, Kim Hoa nương nương... để các bà, các mẹ cầu nguyện; có đền thờ các anh hùng liệt sĩ, bà mẹ VNAH để người người tưởng nhớ hay đền thờ Vua Hùng để nhớ về cội nguồn của đất nước... Đình Dĩ An trở thành một không gian mở, với nhiều loại tín ngưỡng: tín ngưỡng thờ Vua Hùng, tín ngưỡng thờ Thành Hoàng, tín ngưỡng thờ Nữ Thần. Đây cũng chính là điểm thu hút người dân trong, ngoài tỉnh đến với đình Dĩ An.

Song song với việc mở rộng số lượng và quy mô các đền, miếu mới bên cạnh các đình, miếu cũ, các nghi thức cùng các loại hình nghệ thuật khác cũng được tích hợp, giữ gìn và phát huy. So với các đình trong tỉnh và nghi thức truyền thống, ở đình có thêm lễ tế Hùng Vương - cha của dân tộc, có lễ tế Chiến sĩ và các mẹ Việt Nam anh hùng. Những lễ tế trên tuy mới và khác với truyền thống nhưng rất đời, rất thực tế và có giá trị nhân văn sâu sắc. Lễ Kỳ Yên đình thần Dĩ An là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa “lễ” và “hội”, giữa nghi thức truyền thống và các loại hình văn hóa mới và dù là “lễ” hay “hội”, là truyền thống hay hiện đại đều rất được đón nhận…

Bình Dương có 122 đình thần, số lượng lễ hội đình thần tổ chức hàng năm hơn 122 lễ hội nhưng có lẽ không có lễ hội đình thần nào trong tỉnh thu hút được nhiều người tham dự như đình thần Dĩ An. Sở dĩ có thể nói như vậy vì Dĩ An là vùng đất tập trung nhiều công nhân ở khắp mọi miền trong cả nước về sinh sống và làm việc. Giá trị kết nối mà lễ hội đình thần Dĩ An mang lại đó là thu hút được cả những con người tuy không được sinh ra và lớn lên ở Dĩ An nhưng đã coi đình thần Dĩ An cũng như lễ hội nơi đây là điểm tựa tinh thần, là nơi để họ hướng về cội nguồn, tìm ký ức quê hương và hướng về những giá trị tốt đẹp. Và hình ảnh mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi chăm chú dõi theo những tiết mục biểu diễn, từng nghi thức tế lễ là hình ảnh xúc động với Ban Quý tế đình hay những người quan tâm đến sự tồn vong của những giá trị văn hóa truyền thống.

Văn hóa luôn biến đổi không ngừng và để phát triển văn hóa, những chủ thể nắm giữ văn hóa cũng phải biết chọn lọc, tiếp thu những cái mới dựa trên nền tảng về cái đẹp và sự tích giá trị; kết hợp có hiệu quả truyền thống và hiện đại, tạo nên một hệ thống giá trị, thu hút được người dân, định hướng người dân đến với những giá trị văn hóa truyền thống, kết nối con người với con người là ý nghĩa lớn nhất mà đình thần Dĩ An cũng như lễ hội Kỳ Yên nơi đây mang lại. Mong rằng, trong tương lai sẽ có nhiều nơi làm được như đình thần Dĩ An để góp phần tạo nên một Bình Dương vừa là một tỉnh hiện đại vừa đậm giá trị văn hóa truyền thống.

 ĐỖ THANH