Đình thần Bình Dương - Giá trị lịch sử và văn hóa

Thứ ba, ngày 06/11/2018

(BDO) Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương vừa tổ chức hội thảo Đề tài khoa học cấp cơ sở “Đình thần Bình Dương - Giá trị lịch sử và văn hóa”. Tại hội thảo, các học giả, nhà nghiên cứu, đại biểu có sự quan tâm đến di sản văn hóa đình thần đã chia sẻ kết quả nghiên cứu của bản thân, những kinh nghiệm quý báu trong phương pháp nghiên cứu về đình thần với mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng của Đề tài khoa học “Đình thần Bình Dương - Giá trị lịch sử và văn hóa”, qua đó nâng cao chất lượng nghiên cứu di sản văn hóa của Bình Dương.

Những nghiên cứu đậm nét

Trên địa bàn tỉnh hiện có 13/125 ngôi đình đã được xếp hạng di tích, trong đó 2 ngôi đình xếp hạng di tích cấp quốc gia (đình Phú Long và đình Tân An); 11 ngôi đình xếp hạng di tích cấp tỉnh. Mỗi ngôi đình trong tỉnh đều có những nét độc đáo, đặc trưng và trở thành nơi sinh hoạt chung của người dân. Chính vì vậy, để lưu giữ, phát huy giá trị lịch sử văn hóa của đình thần Bình Dương, Hội Khoa học lịch sử tỉnh vừa phối hợp tổ chức hội thảo Đề tài khoa học cấp cơ sở “Đình thần Bình Dương - Giá trị lịch sử và văn hóa”.

Các nhà nghiên cứu, học giả tham dự hội thảo
“Đình thần Bình Dương - Giá trị lịch sử và văn hóa”

Qua hội thảo, những nét mới, độc đáo của đình thần Bình Dương đã được các học giả, nhà nghiên cứu trình bày. Cụ thể, nhà nghiên cứu Hồ Văn Tường có bài tham luận “Đình làng Tân Phước Khánh - Biểu trưng hai thời đại”; bà Đặng Hoàng Lan lại giúp mọi người hiểu thêm về việc “Bảo tồn di tích đình Tân An (Bến Thế) trong phát triển du lịch của tỉnh Bình Dương”; nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Lộc với nghiên cứu “Những yếu tố văn hóa Hoa trong ngôi đình làng Việt tại tỉnh Bình Dương”… Nhiều nhà nghiên cứu còn khám phá những nét độc đáo về kiến trúc của các ngôi đình tại Bình Dương như ông Trần Đức Thuận với “Kiến trúc Bình Dương - vài nét phác thảo”; “Sắp xếp 42 vế đối rời và chỉnh dịch đối ở đình Tân An - Bình Dương” của ông Cao Văn Vĩnh. Để đình thần tồn tại theo thời gian phải được tu bổ, trùng tu, quản lý và đó cũng là chủ đề được bà Văn Thị Thùy Trang, Trưởng ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh trình bày trong tham luận “Đình thần Bình Dương và vấn đề tu bổ di tích”.

Xung quanh các bài tham luận của các nhà nghiên cứu, các học giả đến từ các tỉnh, thành trong khu vực phía Nam cũng đã đặt thêm những vấn đề để làm rõ nét đặc sắc ở các đình thần trong tỉnh, trong đó có vấn đề về tu bổ để không làm mất giá trị di tích lịch sử văn hóa các ngôi đình; nét độc đáo trong cách bài trí bàn thờ trong đình; không gian sinh hoạt tại mỗi ngôi đình… Những vấn đề các học giả nêu sẽ là căn cứ, những gợi mở khoa học hết sức hữu ích cho nhóm thực hiện Đề tài khoa học “Đình thần Bình Dương - Giá trị lịch sử và văn hóa” đúng tiến độ về mặt thời gian và bảo đảm chất lượng khoa học.

Phát huy giá trị các ngôi đình

Các ngôi đình đều mang những giá trị văn hóa, lịch sử thể hiện đất và người Bình Dương. Một số ngôi đình còn mang dấu ấn của chiến tranh khi là nơi che chở cho quân dân ta. Chính vì vậy, đình không chỉ là nơi dành cho những người dân, người lớn tuổi trong vùng đến vào những dịp cúng đình mà phải đưa lớp trẻ đến để tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại các ngôi đình trong tỉnh số lượng người đến tham quan, tìm hiểu khá ít, nhất là thế hệ trẻ. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu, học giả cũng đặt ra vấn đề làm sao để phát huy giá trị đình thần.

Bà Văn Thị Thùy Trang chia sẻ, thực hiện chương trình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các trường học ở địa phương có di tích xếp hạng đã tổ chức cho các em học sinh tham quan, sinh hoạt và chăm sóc, góp phần tạo cảnh quan xanh - sạch. Các Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, thị, thành phố tổ chức cho các em học sinh về nguồn, tìm hiểu và thi viết cảm nhận về di tích “Em yêu di tích quê em”… Từ đó giúp các em hiểu thêm về di tích lịch sử - văn hóa của địa phương.

Đối với nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Lan, đình thần có thể kết nối thành tour du lịch thu hút mọi người tìm đến. Đơn cử như đình Tân An từng được nhiều đoàn phim đến quay, ghi hình. Ngoài ra, cũng có rất nhiều khách du lịch đến Bình Dương tham quan ngôi đình cổ kính này. Qua đó, nói lên được giá trị của ngôi đình này trong việc phát triển du lịch. Tuy nhiên, khi nghiên cứu vấn đề phát triển du lịch cần nhận thức rõ những thuận lợi và bất cập trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa để có giải pháp khả thi, thỏa đáng đặt ra cho các cấp chính quyền, Ban quý tế, cộng đồng người dân địa phương, đối với chính quyền và đơn vị lữ hành.

Ông Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương, đánh giá cao sự cố gắng, quá trình làm việc nghiêm túc của nhóm thực hiện đề tài; sự nhiệt tình và những đóng góp chuyên môn quý giá của các học giả. Ông cũng hy vọng, hội thảo này là mốc khởi đầu cho nhiều công trình nghiên cứu mới về đình thần ở Bình Dương và khu vực Nam bộ. Bên cạnh đó, ông đề nghị nghiên cứu thêm những giải pháp để phát huy giá trị văn hóa, lịch sử đình thần; từ đó thu hút lớp trẻ tìm đến để hiểu hơn về lịch sử, văn hóa của địa phương qua các ngôi đình.

THIÊN LÝ