Đình Tân An: Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia
(BDO) Đình Tân An tọa lạc tại khu phố 1, phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một được xây dựng trên một gò đất cao, mặt hướng ra sông Sài Gòn. Việc chọn vị trí như vậy bởi theo quan niệm người xưa nơi thần linh cư ngụ là nơi bình lặng, tránh sự quấy rối của con người và thuận tiện cho việc bà con trong vùng hoặc những nơi khác tới tham dự lễ hội trong dịp “Kỳ yên” khi phương tiện đi lại của người dân trước đây chủ yếu bằng đường thủy.
Gian chánh điện thờ linh vị Khâm sai đại tướng quân Quận công Nguyễn Văn Thành
Toàn cảnh Đình Tân An
Đình Tân An còn có tên gọi dân gian là đình Bến Thế bởi nằm gần bến sông Bến Thế, bên cạnh đình còn có chợ Bến Thế nên người dân ở đây còn gọi là đình Bến Thế. Trước kia đình có tên là Tương An miếu (có biển hiệu lớn treo giữa đình là Tương An miếu). Sở dĩ có tên gọi này bởi một phần hình dáng ban đầu của đình rất đơn giản, chỉ có một gian ngói nhỏ. Hơn nữa một phần trong tiềm thức của dân gian Nam bộ quan niệm miếu thường là những gian thờ nhỏ bé nằm cạnh sông, trên các dốc, gò đồi cao hoặc gần trục giao thông thủy bộ hay đường bộ, mục đích xây dựng miếu để thờ các oan hồn chết bất đắc kỳ tử. Hội tụ đầy đủ các yếu tố quy mô, vị trí và nhân vật lịch sử liên quan với buổi ban đầu khi xây dựng đình. Có lẽ vì vậy mới có tên gọi Tường An Miếu. Đình Tân An được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 1261/QĐ- BVHTTDL ngày 26-4-2014 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Lịch sử hình thành
Đình được xây dựng vào năm 1820 bởi lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất này sinh cơ lập nghiệp. Ban đầu đình chỉ là mấy gian nhà lá đơn sơ nên đặt tên chữ là “Tương An miếu”, do nhân dân của 4 xã: Tương Bình (nay là Tương Bình Hiệp), Tương An (nay là Tân An), Tương Hòa (nay là Định Hòa) và Cầu Định (nay là Tân Định) lập để thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, vị trí đình được đặt tại làng Tương An. Khoảng 30 năm sau đó, tổ tiên dòng họ Nguyễn (làm chức Ban biện) đứng ra chủ trì xây dựng lại ngôi đình với quy mô lớn, có hình dáng như ngày nay. Mặt khác, dòng họ Nguyễn là một trong những lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất Tân An khai hoang lập nghiệp và có công trùng tu ngôi đình làng nên được dân làng tôn làm “Tiền hiền - Hậu hiền” và được thờ trong ngôi chánh điện để tỏ lòng thành kính.
Vào ngày 19-11 năm Tự Đức thứ 21 (1869), vua Tự Đức ban sắc phong cho đình Tân An nhằm công nhận ngôi đình và phong tước hiệu cho thần Thành Hoàng để nhân dân biết mà thờ tự. Sắc phong luôn được cất giữ tại Nhà thờ dòng họ Nguyễn (hiện là nhà ông Nguyễn Tri Quan). Theo sắc phong vua Tự Đức ban thì vị thần được thờ chính trong đình là Tiền quân cơ Nguyễn Văn Thành, một vị quan triều đình nhà Nguyễn, đại thần của vua Gia Long.
Về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Thành
Khi viết về đình Tân An, hầu hết các tài liệu đều nhắc đến tên ông như một vị thần được thờ phụng ở đây, thậm chí có tài liệu còn ghi rõ tiểu sử, tài năng và cả cái chết (bị bức tử) bi thảm của ông. Nguyễn Văn Thành là một bậc khai quốc công thần triều Nguyễn, nhưng đã vướng vào trọng án “văn chương” của con trai Nguyễn Văn Thuyên, bị Gia Long nghi ngờ phản nghịch bị bức tử và chỉ được giải oan hơn nửa thế kỷ sau đó (vào năm 1868).
Nguyễn Văn Thành sinh năm 1757, mất năm 1817, quê gốc Thừa Thiên, thuở nhỏ ông cùng cha là Nguyễn Văn Hiền vào Gia Định theo Nguyễn Ánh chống lại quân Tây Sơn, làm đến chức Khâm sai tiền quân chưởng cơ. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi ông trở thành vị Khai quốc công thần được cử làm Tổng trấn Bắc thành. Ông tài kiêm văn võ, là tác giả của bài “Văn tế tướng sĩ trận vong” nổi tiếng. Ông từng được cử làm Tổng tài tham gia soạn bộ “Hoàng Việt luật lệ” (bộ luật Gia Long). Ông còn là người chủ trì công việc xây dựng Khuê Văn Các tại Văn miếu Hà Nội (1805). Hiện công trình văn hóa này được xem như là một biểu tượng cho văn hiến của đất Thăng Long (Hà Nội) và của Việt Nam ngày nay. Đến năm 1817, nhân vụ án “văn chương”: con ông là Nguyễn Văn Thuyên có làm bài thơ để ngâm vịnh với bạn bè, bị bọn nịnh thần ghen ghét ông, gièm pha với nhà vua, Gia Long nghi ngờ cha con ông có ý phản nghịch, nên Nguyễn Văn Thuyên bị chém đầu còn ông bị bức tử phải uống thuốc độc trong ngục. Đến hơn nửa thế kỷ sau, năm 1868 nỗi oan khuất của ông mới được giải tỏa dưới triều vua Tự Đức.
Nghệ thuật kiến trúc của đình Tân An
Về tổng quan kiến trúc, ngôi đình được làm toàn bằng gỗ Sao, có lối kiến trúc hình chữ Tam, còn gọi là lối sắp đọi, dân gian gọi là đình ba nóc, theo kiểu xuyên trính, hai mái, hai chái, gồm 40 cây cột vuông bằng gỗ, hành lang rộng gồm 30 cột gỗ (do thời gian mưa nắng đã làm cho một số cột ở hai bên hành lang bị hư hại nên được thay bằng cột xây bằng gạch, vôi). Mái đình được lợp toàn bộ bằng ngói vây cá qua nhiều năm mưa nắng mái ngói phủ rêu phong trông rất cổ kính. Trên đình được trang trí hình lưỡng long tranh châu, ở các góc mái trang trí hình cá hóa rồng. Nền lát gạch đỏ (gạch tàu) hình lục giác. Toàn bộ ngôi đình có chiều rộng 50m, dài 70m, được xây trên diện tích hơn 10.000m2 (số liệu theo bảng đồ địa chính của di tích). Đặc biệt, toàn nội thất trong đình như hiện vật bàn thờ, tủ thờ, tấm hoành, bao lam, cột gỗ, câu đối… đều bằng gỗ quý được các bàn tay nghệ nhân chạm khắc rất tinh xảo với nhiều chủ đề khác nhau làm tôn lên kiến trúc nghệ thuật độc đáo của đình. Ngoài ra, đình còn lưu trữ một công trình chữ Hán rất phong phú còn lại cho đến ngày nay qua các cặp liễn đối, hoành phi, sắc thần…
Lễ hội đình Tân An
Hàng năm theo đúng lệ xưa “tam niên đáo lệ Kỳ yên”, vào những năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu tính theo lịch 12 con giáp là những năm đình Tân An đáo lệ tổ chức Kỳ yên trong dịp Hạ điền chạp miễu. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày 3 đêm từ 14 đến 16- 11 (âm lịch) là dịp trăng sáng để bà con thuận tiện vui chơi và đi lại. Đây cũng là dịp thủy triều dâng cao và theo quan niệm của nhân dân đó là điềm của mùa màng bội thu, của vạn vật tốt tươi, tiền của dồi dào… Kỳ yên là dịp để những nông dân trước bày tỏ tình cảm của mình với thần linh, sau là dịp gặp mặt nhau bàn luận công việc làm ăn và bày tỏ tình cảm, trao đổi kinh nghiệm. Trong lễ hội Kỳ yên, một mặt người nông dân đền ơn thần linh đã phù trợ, giúp sức cho họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống, một mặt cầu được “hòa muôn, triệu triệu; được an cư, lạc nghiệp, được quốc thái, dân an”. Nó có vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân.
Đình đã hình thành gần 200 năm trên vùng đất Bình Dương mang đậm phong cách kiến trúc mỹ thuật của một ngôi đình Nam bộ xưa, còn bảo tồn được phần lớn nếp sinh hoạt văn hóa và các nghi thức thờ cúng truyền thống của đình làng Việt Nam. Đình Tân An có phong cách kiến trúc độc đáo. Đình là một di tích lịch sử - văn hóa mang đậm nét kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, đình còn lưu giữ Sắc phong của vua Tự Đức. Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đình Tân An là nơi hoạt động cách mạng của địa phương.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, đô thị hóa một cách nhanh chóng tại miền Đông Nam bộ, nhất là ở Bình Dương, đình Tân An càng trở nên một điểm hiếm có về mặt kiến trúc cảnh quan, còn giữ được cái đẹp dân dã, cổ kính khá tiêu biểu cho đình làng miền quê Nam bộ. Cho nên từ nhiều năm nay, đình Tân An trở thành một điểm đến khá hấp dẫn cho nhiều nhà hoạt động nghệ thuật như nhiếp ảnh, làm phim ở phía Nam. Đình Tân An là một trong những ngôi đình hiếm hoi còn giữ lại được nét cổ kính xưa nguyên vẹn của nó cho tới ngày nay. Có thể nói ít có nơi nào ở miền Đông Nam bộ hiện nay, mà bóng dáng một ngôi đình cổ cùng với cây đa, bến sông, đường làng, cái đẹp hiền hòa bình dị của một làng quê Việt Nam đi vào các tác phẩm nghệ thuật điện ảnh qua hàng trăm cuốn phim, hàng ngàn thước phim nhiều bằng khung cảnh đình Tân An của Bình Dương.
ĐẬU NGỌC HẢI