Định hướng, tạo điều kiện giúp người dân thoát nghèo bền vững

Thứ bảy, ngày 24/10/2020

(BDO)

Trao học phí học nghề dựa vào cộng đồng năm 2020 cho người dân xã Thanh An

Muốn thoát nghèo phải có việc làm

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cách làm của huyện Dầu Tiếng trong những năm gần đây là chú trọng đến việc làm. Ông Nguyễn Công Nhân, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Dầu Tiếng cho rằng: “Để không ai bị bỏ lại phía sau thì cần trao cần câu chứ không trao con cá”.

Để thực hiện đúng theo định hướng chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc giúp người dân thoát nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh, từ năm 2015, huyện đã lập Ban Chỉ đạo để theo sát hộ nghèo từ cấp huyện đến các xã. Ban Chỉ đạo phân công nhiệm vụ cho các thành viên, xây dựng đề án, dự án, kế hoạch theo chức năng nhiệm vụ của ngành; lập kế hoạch hoạt động chi tiết để tổ chức thực hiện tốt các chính sách với người nghèo. Với chính sách đào tạo nghề cho các hộ nghèo, cận nghèo, UBND huyện Dầu Tiếng tập trung vào những ngành nghề có khả năng tạo việc làm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, như: Khai thác mủ cao su, nấu ăn đãi tiệc đám cưới, may gia dụng, cắt tóc, kỹ thuật trồng nấm, tạo dáng cây cảnh… Đến nay, mỗi năm huyện tổ chức từ 25 - 30 lớp đào tạo nghề cho hàng trăm lao động nông thôn, trong đó chú trọng hộ nghèo và cận nghèo.

Ông Nguyễn Công Nhân cho biết thêm: “Các lớp đào tạo nghề đã mang lại hiệu quả tích cực và đặc biệt có ý nghĩa với những hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu đất sản xuất và trình độ sản xuất hạn chế; giúp người lao động nói chung, người nghèo nói riêng có thể tìm được việc làm, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Nhờ đó, đã có nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, có thu nhập trung bình, có hộ có mức thu nhập khá”. Điển hình như trường hợp của anh Nguyễn Thành Sang, xã Minh Thạnh. Anh Sang bị tật nguyền từ nhỏ, sức khỏe yếu. Sau ngày lập gia đình và sinh con cách đây khoảng 5 năm, gia đình anh Sang thuộc diện hộ nghèo của xã. Qua tuyên truyền của chính quyền địa phương, anh Sang theo học lớp điện lạnh. Có nghề, anh Sang không chỉ làm công có thu nhập hàng tháng ổn định mà gần đây anh còn mở tiệm tại nhà để phục vụ bà con trong vùng. Cùng với đó, anh được chính quyền địa phương hỗ trợ xây tặng căn nhà tình thương khang trang hơn 100 triệu đồng. Từ một hộ nghèo được chính quyền theo sát trợ giúp, với sự nỗ lực của bản thân, vợ chồng anh Sang không chỉ có nghề nghiệp ổn định mà còn có cuộc sống ấm no, thu nhập khá so với bà con trong vùng.

Nhiều chính sách trợ giúp hộ nghèo

Nếu cuối năm 2019, huyện Dầu Tiếng có 539 hộ nghèo/30.314 hộ dân, chiếm tỷ lệ 1,78% thì đến nay địa phương này chỉ còn 286 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,92%. Để đạt chỉ tiêu hộ nghèo dưới 1% trên tổng số dân toàn huyện và hàng trăm hộ thoát nghèo bền vững trong những năm trở lại đây, UBND huyện Dầu Tiếng đồng loạt thực hiện nhiều chính sách như tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn làm ăn. Bên cạnh đó, các chính sách khuyến công, khuyến nông và chuyển giao khoa học kỹ thuật; ưu đãi giáo dục; chính sách y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chính sách hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ; chính sách ưu đãi thuế; tiếp cận thông tin, văn hóa… đồng loạt được thực hiện.

Chỉ tính riêng việc tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn sản xuất, kinh doanh, trung bình mỗi năm, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Dầu Tiếng đã hỗ trợ cho hàng chục hộ nghèo vay với số tiền lên đến cả tỷ đồng. Từ đồng vốn vay này, nhiều hộ đã có cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Điển hình như gia đình bà Trần Thị Khuông ở ấp Cỏ Trách, xã Thanh An trước đây là hộ nghèo nhiều năm liền của xã. Sau khi được địa phương cho mượn 1 con bò sinh sản, bà Khuông tiếp tục được tạo điều kiện vay vốn thêm 30 triệu mua thêm 2 con bò khác. Đến nay, bà Khuông không chỉ trả hết nợ ngân hàng mà còn nuôi được một người con vào đại học và dư thêm 5 con bò sinh sản. Bằng sự trợ giúp của địa phương và tiền bán thêm bò, bà Khuông vừa xây mới căn nhà khang trang, cuộc sống ổn định…

Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm, Phòng Kinh tế, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y huyện Dầu Tiếng mở khoảng 10 lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh trên cây; tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất có hàng ngàn lượt người tham dự. Bên cạnh đó, các đoàn thể huyện còn thực hiện nhiều phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình không tính lãi bằng nhiều hình thức như hỗ trợ ngày công; cây, con giống, phân bón; tương trợ xoay vòng vốn với tổng trị giá nhiều tỷ đồng, trong đó ưu tiên hộ nghèo và cận nghèo phát triển kinh tế.

Có thể nói, việc định hướng giảm nghèo cũng như theo sát, tạo điều kiện chăm lo cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã phát huy hiệu quả, giúp hàng trăm hộ thoát nghèo bền vững, vươn lên có cuộc sống ấm no. Bên cạnh đó, sự nỗ lực, vượt qua khó khăn, hoàn cảnh, nghịch cảnh của người dân trên địa phương này rất đáng được ghi nhận.

Để giúp được nhiều hộ nghèo thoát nghèo tại địa phương, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác giảm nghèo, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện hiệu quả chương trình. Bên cạnh đó, tăng cường lồng ghép nhiệm vụ giảm nghèo vào kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân nói chung và nhóm hộ nghèo, cận nghèo; phát huy vai trò của MTTQ, các ngành, đoàn thể và sự tham gia của người dân trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo”.
(Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng)

QUANG TÁM

Từ khóa: