Định hướng nghề nghiệp sớm, đào tạo lao động chất lượng cao
Từ đầu năm, một số trường đại học đã đến các trường phổ thông để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12. Trong cuộc “chạy đua” đó, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng không đứng ngoài. Thời gian qua, hệ thống GDNN đã có nhiều thay đổi nhằm thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp cũng như học viên. Tất cả đều hướng tới đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cao.
Xác định được tầm quan trọng của việc đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, theo Kế hoạch triển khai Chương trình số 145-CTr/TU ngày 3-1-2024 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 21- CT/TW ngày 4-5-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, yêu cầu sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị.
Theo đó yêu cầu tăng cường công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh trong giáo dục phổ thông. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cha mẹ học sinh và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của GDNN và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông nhằm tăng tỷ lệ học sinh vào hệ thống GDNN. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông. Vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi như tổ chức tư vấn hướng nghiệp, tổ chức các ngày tư vấn hướng nghiệp; tổ chức hội thảo, tọa đàm với các chuyên gia, doanh nhân, nhà khoa học để học sinh có cơ hội tìm hiểu về ngành nghề. Tăng cường phối hợp giữa các cơ sở giáo dục trung học với các cơ sở GDNN trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp dành cho học sinh phổ thông…
Triển khai hiệu quả và nâng cao chất lượng thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định để đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động; ưu tiên đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, người khuyết tật, phụ nữ, lao động nông thôn, lao động trong doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Với hàng loạt giải pháp đặt ra, mục tiêu của Bình Dương đến năm 2030 phấn đấu có 50% học sinh trung học vào hệ thống GDNN; đào tạo mới và đào tạo theo vị trí việc làm cho khoảng 250.000 người, trong đó trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm khoảng 30%; tỷ lệ học sinh, sinh viên có trình độ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm chiếm 90%... “Đến năm 2045, GDNN cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của các nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới”, mục tiêu của kế hoạch đặt ra.
L.T.PHƯƠNG