Định Hòa trung dũng
Từ những năm 1930, phong trào cách mạng của Định Hòa (TP.TDM) đã bắt đầu nhen nhóm; khi thì âm ỉ như hòn than ủ trong lớp tro nóng, khi bùng cháy thành ngọn lửa hồng. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ ác liệt, những địa danh Cầu Cháy, cánh đồng Mèo, Truông Bồng Bông… đã đi vào lịch sử oai hùng. Và hôm nay, sau 38 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, Định Hòa đã đổi thay từng ngày...
Trường lớp, đường sá ở phường Định Hòa được quan tâm đầu tư đã tạo bộ mặt mới cho vùng đất này
“Từ phong trào yêu nước đến 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ ác liệt, các cán bộ, chiến sĩ nhờ có dân mà tồn tại. Các má, các chị chắt chiu từng hạt gạo, củ khoai, viên thuốc để nuôi bộ đội. Thắng lợi của bộ đội Định Hòa không thể tách rời nhân dân - một pháo đài kiên cố, bền vững bảo vệ lực lượng, bảo vệ cách mạng”
(Ông Nguyễn Văn Hữu, cán bộ lão thành cách mạng phường Định Hòa)
Một thời hào hùng
Những người từng chứng kiến một giai đoạn lịch sử của Định Hòa từ phong trào yêu nước đến cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay hầu như không còn, nhưng những chiến công oai hùng vẫn vang mãi đối với những người con của vùng đất này.
Chúng tôi tìm đến nhà của ông Phạm Văn Sơn, từng là du kích Định Hòa. Ông Sơn cho biết: “Qua sử sách còn ghi lại, tôi được biết từ những năm 1930, phong trào cách mạng của Định Hòa đã bắt đầu nhen nhóm; khi thì âm ỉ như hòn than ủ trong lớp tro nóng, khi bùng cháy thành ngọn lửa hồng. Đặc biệt, năm 1934, khi đồng chí Văn Công Khai được Xứ ủy Nam kỳ cử về Định Hòa hoạt động thì tình hình mỗi ngày một sáng sủa hơn. Khi ấy, Định Hòa chưa có chi bộ, đồng chí Văn Công Khai đi sâu tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước và chủ nghĩa cộng sản trong quần chúng”.
Năm 1940 trở đi, cùng chung bối cảnh lịch sử của cả nước, nhiều sự kiện nóng bỏng đã dồn dập xảy ra trên mảnh đất nhỏ hẹp này. Một số người dân Định Hòa phải sung vào các đội lính chiến và lính thợ ở tận bên trời Âu làm bia đỡ đạn cho quân Pháp và Đức. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra vào tháng 11-1940 ở nhiều tỉnh, thành khiến thực dân Pháp điên cuồng khủng bố trắng chẳng chừa nơi nào. Nhiều chiến sĩ cách mạng bị lưu đày lên Tà Lài, Bà Rá và trên đường lưu đày phải đi qua vùng đất Định Hòa. Khi đó, những người dân bình thường của Định Hòa đã bị địch bắt đày ra tận Côn Đảo vì ghép vào tội “chứa chấp cộng sản trong nhà” hay tham gia hội kín, chỉ vì cho những người lỡ đường xa nghỉ nhờ hay có việc đi đâu xa vài ngày… Nhưng trong hoàn cảnh bị kìm kẹp, áp bức ấy, nhân dân Định Hòa đã vùng lên chống lại.
Ông Nguyễn Văn Hữu, cán bộ lão thành cách mạng ở phường Định Hòa, hồ hởi kể lại: “Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, phong trào ở Định Hòa phát triển rất mạnh. Theo tôi được biết, đêm 23-8-1945, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã họp tại chợ Bưng Cầu do đồng chí Bí thư Văn Công Khai chủ trì. Sau cuộc họp, các nghị quyết của hội nghị cũng như lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương nhanh chóng được truyền đi khắp các làng quê. Đến đêm 24-8-1945, lực lượng nhân dân từ các huyện, các đồn điền cao su tràn vào thị xã Thủ Dầu Một bao vây các công sở và đồn bót địch với khí thế rung chuyển đất trời. Lúc ấy tại Định Hòa, tiếng loa truyền đi suốt đêm kêu gọi mọi người xuống đường. Đến rạng sáng ngày 25-8-1945, khi nghe tin toàn bộ quân địch ở Thủ Dầu Một đã nộp súng đầu hàng, chính quyền đã hoàn toàn thuộc về tay nhân dân, thì 3.000 người dân Định Hòa, trai cũng như gái, trẻ cũng như già tất cả đều say sưa tắm mình trong không khí tự do, trong cảnh đổi đời. Và cùng với nhân dân xã Tương Bình Hiệp, Tân An, nhân dân Định Hòa xếp thành đội ngũ chỉnh tề, rầm rập tiến về trung tâm. Người thì cầm đờ đỏ sao vàng, người thì cầm giáo mác… Đoàn người vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Kiên quyết giành độc lập”…
Đổi thay từng ngày
Hôm nay trở về Định Hòa, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi nhiều con đường, công trình mới được xây dựng khang trang đưa vào sử dụng... Đó là minh chứng cho sự thay da đổi thịt của vùng đất này. Ông Nguyễn Văn Đâu, Chủ tịch UBND phường Định Hòa cho biết, Định Hòa đã và đang từng ngày thay da đổi thịt, năm 2012, phường chỉ còn 50 hộ nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư. Hiện đường giao thông nông thôn ở Ðịnh Hòa tương đối hoàn chỉnh, với 70 - 80% tuyến đường bê tông, nhựa nóng; hệ thống chiếu sáng đạt khoảng 50%. Văn hóa - xã hội ngày càng phát triển, bảo đảm nhu cầu vui chơi, học hành, sinh hoạt văn hóa của nhân dân trên địa bàn. Cụ thể, hệ thống trường lớp của trường đầy đủ cho các cấp học từ mẫu giáo đến THPT, cơ sở vật chất được đầu tư bảo đảm tốt công tác dạy và học. Trung tâm văn hóa, trạm y tế được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu vui chơi, khám chữa bệnh của nhân dân. Đặc biệt, để thực hiện nếp sống văn minh phù hợp với một thành phố văn minh, hiện đại, phường đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức người dân. Cụ thể là tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, xóa bảng quảng cáo sai quy định; phát động nhân dân trồng cây xanh….
Tự hào khi thấy quê hương mình đổi thay từng ngày, ông Phạm Văn Sơn phấn khởi cho biết: Nhìn vào nhà cửa, đường sá thì sẽ thấy đời sống của người dân hiện giờ ra sao. Những năm qua, cùng với sự định hướng của Đảng và Nhà nước, người dân Định Hòa cũng nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của thị trường. Giờ kinh tế của Định Hòa chủ yếu là thương mại, dịch vụ, còn nông nghiệp thì cũng là nông nghiệp kỹ thuật cao với mô hình trồng hoa lan, cây kiểng đem lại thu nhập khá cao…
Những ai đã từng về thăm Định Hòa, được chứng kiến sự đổi thay của Định Hòa hôm nay sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự phát triển mạnh mẽ của vùng đất này. Định Hòa không chỉ trung dũng, kiên cường trong kháng chiến mà còn vươn vai mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xứng đáng với những chiến công oai hùng của thế hệ cha anh để lại.
T.THẢO - N.NHƯ