Định hình tương lai khu vực thông qua kết nối

Thứ năm, ngày 31/05/2012

Những kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội sẽ được chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế Thế Giới Đông Á năm 2012

Trong các ngày từ 31-5 đến 1-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn kinh tế Thế Giới Đông Á năm 2012 (WEF Đông Á 2012) tại Bangkok, Thái Lan. Chuyến đi được thực hiện theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Yingluck Shinawatra và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab.

  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự diễn đàn Trong bối cảnh mặc dù kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng khả quan hơn so với năm 2011 nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt, khu vực châu Âu mà tâm điểm là Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang có những biến động khó lường…

Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á năm 2012 thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế và khu vực. Có lẽ cũng bởi thế mà chủ đề của Diễn đàn năm nay được thống nhất lấy là “Định hình tương lai khu vực thông qua kết nối”.

Chủ đề của Diễn đàn sẽ được các đại biểu tham dự triển khai cụ thể bằng 3 nội dung tập trung thảo luận. Đó là bàn về vai trò các nền kinh tế tăng trưởng cao của ASEAN trong tái cân bằng triển vọng kinh tế toàn cầu và khu vực; Trao đổi về vai trò của các Chính phủ và tổ chức trong đề xuất, triển khai các chính sách tài chính hiệu quả nhằm kiểm soát lạm phát, chu chuyển vốn, biến động giá cả hàng hóa và tăng trưởng cân bằng.

Diễn đàn cũng tập trung vào việc tận dụng lợi thế dân số và công nghệ trong khu vực để phát triển các mô hình tăng trưởng thông qua đổi mới, cải thiện cơ chế huy động nhân tài, tinh thần kinh doanh và xây dựng kỹ thuật.

Nếu như Diễn đàn Kinh tế Thế giới hàng năm quy tụ các nhà lãnh đạo Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tôn giáo, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu thì các Hội nghị khu vực trong khuôn khổ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới như Hội nghị về Đông Á, Hội nghị về Ấn Độ, Hội nghị về Mỹ Latinh, Hội nghị về Trung Đông, châu Phi… lại là những diễn đàn quan trọng để các đại biểu trao đổi và phân tích đánh giá các vấn đề phát triển của khu vực.

Đặt trong một tổng thể chung của nền kinh tế thế giới suốt hàng thập kỷ qua cũng như những năm gần đây, khu vực Đông Á vẫn được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng khá bất chấp những tác động không nhỏ của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2008. Có lẽ bởi thế, những kinh nghiệm của khu vực về hội nhập và liên kết kinh tế đang tiếp tục được thúc đẩy trở thành nội dung đáng quan tâm đối với các khu vực khác cũng như toàn cầu. Nội dung thảo luận ở các kỳ họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á được đặt ra cũng rất thiết thực.

Trong những hội nghị gần đây, Hội nghị năm 2010 do Việt Nam đăng cai tại TP.HCM được đánh giá rất cao với sự đóng góp tích cực của Việt Nam. Thông qua một chủ đề rất thiết thực là “Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển kinh tế toàn cầu”, Hội nghị Đông Á 2010 đã để lại dấu ấn mạnh mẽ đối với các lãnh đạo cấp cao và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tham dự Hội nghị. Dấu ấn ấy được tập trung vào những thành tựu, những kinh nghiệm tốt mà các quốc gia thành viên thực hiện được trong một bối cảnh kinh tế đầy biến động bất lợi.

Với tinh thần chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, trong đó có việc tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng, đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham gia Hội nghị Diễn đàn kinh tế Thế giới Đông Á năm 2012 lần này chắc chắn sẽ có những đóng góp quan trọng. Những kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài... sẽ được chia sẻ.

Ngược lại, việc tham gia hội nghị cũng là dịp để các nhà lãnh đạo nhiều Bộ, công ty, doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực. Quan hệ hợp tác Việt Nam với Diễn đàn Kinh tế Thế giới nói chung, Diễn đàn Đông Á nói riêng chắc chắn sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ vì sự ổn định và thịnh vượng.

Theo VOV