Định hình đô thị Bình Dương trong tương lai
Những năm qua, sự phát triển công nghiệp - đô thị của Bình Dương được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng cao so với cả nước. Cùng với quá trình tăng trưởng này đã kéo theo áp lực dân số cơ hội tăng nhanh theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Thực tế này đặt nhiều vấn đề cần giải quyết trong phát triển đô thị.
Đô thị gắn liền với các chức năng
(BDO) Quyết định số 1701/QĐ- UBND của UBND tỉnh ngày 26-6-2012 về phê duyệt đề án quy hoạch chung đô thị Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 1701). Theo đó, mục tiêu là xây dựng Bình Dương trở thành đô thị loại I với định hướng tổ chức không gian theo hình thái đô thị phân theo khu vực.
Trong tương lai, các đô thị của Bình Dương được gắn liền với các chức năng nhất định. Trong ảnh: Một góc đô thị Thủ Dầu Một. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Ông Huỳnh Văn Minh, Viện trưởng Viện Quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương cho biết, theo Quyết định 1701, đô thị tỉnh nhà sẽ phân bổ theo 3 khu vực chính. Khu vực 1 - khu đô thị phía Nam xây dựng theo mô hình nén, mật độ cao; trong đó khu đô thị giữ chức năng dịch vụ - công nghiệp bao gồm Thuận An, Dĩ An. Khu vực 2 - khu đô thị trung tâm xây dựng theo mô hình đa chức năng, trong đó khu đô thị mới Hòa Phú - Phú Tân (TP. Thủ Dầu Một) giữ chức năng dịch vụ - công nghiệp, trung tâm chính trị - hành chính của toàn tỉnh. Còn đô thị Phú Cường - Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một) giữ chức năng dịch vụ - thương mại; đô thị Nam Bến Cát giữ chức năng dịch vụ - công nghiệp; đô thị cảng gồm Tân Ba, Thái Hòa, Tân Bình. Khu vực 3 - đô thị phía Bắc được xây dựng theo mô hình đô thị vệ tinh, mật độ dân cư thấp, giữ chức năng dịch vụ - du lịch bao gồm các khu đô thị Tân Thành, Cổng Xanh, Thanh Tuyền, Minh Hòa, Minh Thạnh…; đô thị giữ chức năng dịch vụ - công nghiệp gồm Thường Tân, Nam Bến Cát, Nam Tân Uyên.
Tại Hội thảo 20 đô thị hóa Bình Dương - những vấn đề thực tiễn được tổ chức vừa qua, Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, chùm đô thị phía Nam và khu vực trung tâm Bình Dương được bố trí theo các đô thị độc lập kết nối chặt chẽ với nhau. Không gian các đô thị cần được ngăn cách qua hệ thống sông rạch tự nhiên tổ chức như là các “nêm” cây xanh, mặt nước trong đô thị, hành lang ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Tính được kết nối với không gian mở và hệ thống công viên, vườn hoa cải thiện cảnh quan môi trường đô thị… Chẳng hạn, đô thị Dĩ An gồm Đại học quốc gia và các công trình giao thông; đô thị Thuận An bố trí các công trình dịch vụ y tế, trung tâm thương mại - dịch vụ, nhà ở cao cấp; đô thị Thủ Dầu Một bố trí các công trình chính trị, hành chính, tài chính - ngân hàng, giáo dục…
Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, để Bình Dương phát triển đô thị bền vững, việc phân chia chức năng rõ ràng như vậy là rất khoa học, bảo đảm tính ổn định, lâu dài.
Nâng cấp các hạ tầng đô thị hiện hữu
Theo UBND tỉnh, trong giai đoạn 2016-2020, Thủ Dầu Một sẽ phát triển thành đô thị loại I; bên cạnh đó là thêm một thị xã mới hình thành. Trong khi đó, Thuận An trở thành đô thị II, các xã sẽ được chuyển thành phường; Tân Uyên và Bắc Tân Uyên là đô thị loại III; Dầu Tiếng, Phú Giáo là đô thị loại IV…
Về hạ tầng kỹ thuật tại các khu đô thị trong tỉnh hiện đang được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như ngân sách, nguồn vốn các doanh nghiệp tham gia dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao)… và kể cả huy động vốn ở các khu dân cư. TP.Thủ Dầu Một là địa phương được tỉnh đầu tư về hệ thống giao thông đường bộ nhiều nhất. Thành phố hiện có 1.840 tuyến đường do tỉnh, thành phố, chủ đầu tư các khu dân cư quản lý dài hơn 710km, 1.175 tuyến đường do phường, xã quản lý.
Sau quốc lộ 13, Bình Dương tiếp tục thực hiện hàng loạt tuyến đường kết nối với khu vực, trong đó có đường tạo lực Mỹ Phước - Tân Vạn. Sau 3 năm triển khai, hiện tuyến đường xung yếu này đã kết nối vùng nhằm giúp Bình Dương trở thành cửa ngõ huyết mạch cho việc vận chuyển hàng hóa từ Tây nguyên, các tỉnh miền Đông Nam bộ đến sân bay quốc tế sắp hình thành tại Long Thành, Đồng Nai và cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Gần đây, Bình Dương còn xúc tiến kế hoạch xây dựng tuyến Metro nối Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh. Việc xây dựng tuyến Metro kết nối với trung tâm kinh tế - văn hóa - giáo dục lớn nhất nước như TP.Hồ Chí Minh sẽ tạo động lực cho các đô thị trong tỉnh phát triển.
Bên cạnh đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo các tuyến đường, Bình Dương còn chú trọng đến việc phát triển các phương tiện giao thông công cộng phục vụ nhu cầu người dân. Hiện toàn tỉnh có 20 tuyến xe buýt, 8 bến xe khách… khai thác đến 34 tỉnh, thành trong cả nước.
Hướng tới vùng đại đô thị
Theo các chuyên gia, trong phát triển đô thị Bình Dương nên hướng tới tương lai xa hơn. Về quy hoạch tổng thể, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh kết hợp với các tỉnh, thành miền Đông và Tây Nam bộ sẽ trở thành một vùng đại đô thị (VĐĐT). Quy mô như vậy sẽ đuổi kịp những VĐĐT đô thị phát triển năng động khác ở các nước châu Á.
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, Hội Kiến trúc sư TP.Hồ Chí Minh cho biết, về mặt lý thuyết, muốn có VĐĐT thì phải có sự kết nối triệt để quy hoạch hạ tầng xã hội lẫn hạ tầng kỹ thuật. Mặt khác, khi phát triển vùng đô thị, Bình Dương hay bất cứ địa phương nào luôn phải đối đầu với hiện tượng xung đột lớn giữa đô thị và nông thôn. Tương lai của các đô thị nằm ở sự chuyển biến thật sự của các vùng ven và vùng nông thôn rộng lớn bao quanh. Ông Thái đề xuất, các khái niệm đô thị nông nghiệp, đô thị rừng bảo tồn sinh thái, đô thị du lịch, vành đai xanh…cần được sử dụng để quy hoạch, tránh sự xáo trộn dân cư quá lớn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong số các nước châu Á dường như còn Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh còn nằm trong tình trạng “đại đô thị đơn tâm”. Do vậy, việc chuyển nhanh sang VĐĐT với đặc tính đa cực, phi tập trung là một yêu cầu cấp bách. VĐĐT được coi là mô hình có ưu thế nhất đáp ứng đòi hỏi cùng các lời giải đáp cho bài toán quy hoạch, tăng trưởng kinh tế, dân số, giao thông, môi trường, văn hóa, lối sống…
Theo dự kiến, VĐĐT này sẽ bao gồm các thành phố lớn như: loại 1 quốc gia TP.Hồ Chí Minh, tương lai sẽ có thêm Bình Dương, Biên Hòa, Vũng Tàu… VĐĐT sẽ giải quyết được một số vấn đề căn bản bên trong đô thị lớn như tắc nghẽn giao thông, quá tải dân số, ô nhiễm môi trường và chủ động điều phối được quan hệ giữa các đô thị trong toàn vùng về thị trường lao động, hàng hóa, vốn và các nguồn lực bên ngoài.
Theo Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, Hội Kiến trúc sư TP.Hồ Chí Minh, phát triển hài hòa VĐĐT còn là một thách thức lớn và mới đối với Bình Dương và các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, còn rất nhiều chính sách, biện pháp và lộ trình để thực hiện được nó, nhưng tựu trung chúng phải phù hợp với bối cảnh địa phương của từng vùng và đáp ứng các yêu cầu thiết như: Lập những hệ thống quản lý điều hành hữu hiệu cho VĐĐT; mang lại cho các VĐĐT những điều kiện sống tốt hơn về mặt việc làm, dịch vụ. cơ sở hạ tầng, chính sách an sinh xã hội….
PHÙNG HIẾU