Đình Dĩ An và những giá trị lịch sử văn hóa còn lưu giữ

Thứ ba, ngày 20/12/2011

Cũng giống như bao ngôi đình của làng Việt khác, đình Dĩ An (hay đình thần Dĩ An) là nơi thờ thành hoàng bổn cảnh của làng Dĩ An trước đây (nay là phường Dĩ An). Với những giá trị về mặt văn hóa, lịch sử mà ngôi đình còn lưu giữ, đình Dĩ An đã được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh...

Đình Dĩ An tọa lạc tại khu phố Nhị Đồng 1, phường Dĩ An, TX.Dĩ An. Nếu có dịp đến thăm đình thần Dĩ An, chúng ta như được ôn lại những nét đẹp xưa của đình làng Việt Nam nói chung và đình làng Nam bộ nói riêng. Cổng đình được xây theo kiểu cổng tam quan (một cửa chính và hai cửa phụ), mái bậc thang, mặt trong và mặt ngoài cổng được trang trí bởi nhiều đề tài hoa văn phong phú cùng những câu đối chữ Hán ở cột cổng đình... tạo cho chúng ta một cảm giác bình yên với những nét xưa giữa khung cảnh hiện đại. Bước qua khỏi cổng tam quan là một khuôn viên rộng lớn, với những cây cổ thụ quý hiếm có tuổi thọ trên trăm tuổi, như: sao, giá tỵ, gõ mật, cám, dầu... Trong khuôn viên đình còn có: miếu bà Ngũ Hành, đền Ngọc Hoàng, Sơn Quân, đền Mẫu, hữu Bạch Hổ, Thần Nông và bia mộ liệt sĩ... ẩn mình dưới những tán lá xanh tươi như tạo thêm vẻ yên tĩnh và linh thiêng cho đình. Phần thờ tự chính (đình thần) là một dãy nhà được thiết kế theo kiểu hình chữ nhật, gồm: võ ca, chánh điện, nhà khách và nhà túc...

  Niềm vui của người dân trong làng khi đình được xếp hạng di tích

Theo lời kể của các vị cao niên, đình Dĩ An được xây dựng vào khoảng thập niên 80 thế kỷ XIX. Lúc mới xây dựng, đình được gọi là cổ miếu. Theo các tài liệu ghi lại, vùng đất Dĩ An ngày nay, xưa kia vốn là những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, dân cư thưa thớt. Trong quá trình khai phá thiên nhiên, người dân nơi đây đã dựng lên một cái chòi lợp bằng lá cây để làm nơi thờ tự và cầu mong thần linh phù hộ cho người dân trong làng được bình an, mạnh khỏe. Người dân gọi chòi lá này là miếu thờ (hay cổ miếu).

Đến nay, đình đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Khoảng năm 1838, khi người dân đã đến đây sinh sống đông hơn, để có nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa liên quan đến đời sống tinh thần, mọi người cùng nhau góp công, góp của xây dựng lại ngôi miếu. Từ đó, tên gọi đình cũng ra đời thay thế cho tên gọi miếu bấy lâu. Vào năm 1852, vua Tự Đức ban sắc phong cho vị thành hoàng thờ tự nơi đây là thần “Bảo An Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng” để ghi nhớ công lao giúp nước, cứu dân của vị thần này. Cũng từ đó, đình được gọi là đình thần Dĩ An (hay đình Dĩ An).

 Đình là nơi để mọi người tìm về với những nét văn hóa truyền thống

Đến năm 1910, một số bô lão trong làng đã vận động nhân dân xây dựng lại ngôi đình tại địa điểm hiện nay, với một số hạng mục, gồm võ quy và nhiều công trình phụ khác như nhà túc, nhà kho. Tất cả các công trình đều được làm toàn bằng gỗ quý, mái lợp ngói âm dương. Vào năm 1932, đình được xây nới rộng thêm về phía trước, với hai hạng mục là một võ quy và một nhà tứ trụ. Phần xây mới này dùng thay thế nơi thờ cũ, còn phần diện tích cũ được sử dụng làm nhà khách.

Ngoài là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân trong làng, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình còn là nơi hoạt động cách mạng của bộ đội Đào Sơn Tây. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình còn là nơi dừng, trú quân của lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một. Trong khuôn viên đình hiện vẫn còn lưu dấu một số hầm hoạt động bí mật của lực lượng vũ trang và bộ đội Đào Sơn Tây.

Tuy không bị địch đốt phá bởi chiến tranh như một số ngôi đình làng khác, nhưng trải qua thời gian, đình Dĩ An cũng bị xuống cấp và hư hại nhiều. Sau giải phóng, đặc biệt là trong những năm gần đây, khi cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng khấm khá, họ đã đóng góp thêm tiền, của để tôn tạo lại một số hạng mục và xây thêm một số công trình mới. Cụ thể vào năm 1998, đình được tu bổ lại và xây thêm nhà võ ca nối liền trước mặt tiền chánh điện. Những năm 2006, 2007 do nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong vùng ngày càng cao, lại nhận được sự giúp đỡ của bà con, Ban nghi lễ đình đã tổ chức xây dựng thêm một nhà khách cạnh bên ngôi đình và nhiều công trình khác. Nhờ những lần trùng tu, sửa chữa đó, đình Dĩ An mới khang trang, thoáng đẹp như ngày hôm nay.

Đình có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển vùng đất Dĩ An. Trong những ngày đầu mở đất lập làng, đình là nơi che chở nhân dân được bình an trước thiên nhiên hoang vu. Trong thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước đình vừa là nơi chiến sĩ cách mạng địa phương rèn luyện, hun đúc ý chí, tổ chức lực lượng để tiêu diệt kẻ thù, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống của địa phương. Hàng năm, đình thần Dĩ An đều duy trì tổ chức các hình thức lễ hội được duy trì từ thời khẩn hoang mở đất lập làng đến nay. Vào ngày 16-6 âm lịch tổ chức lễ cúng tiên sư, tổ nghiệp cầu huệ, cầu lợi. Ngày 15 và 16-11 âm lịch tổ chức lễ cầu an cầu cho quốc thái dân an. Lễ cúng đình vừa có ý nghĩa gìn giữ và phát huy văn hóa địa phương, vừa là dịp để bà con tỏ lòng biết ơn đối với tiên sư, tổ nghề và cầu cho mọi người, mọi nhà được bình an, thịnh vượng. Vì thế, vào những dịp này, không chỉ có bà con trong vùng, mà các vùng lân cận cũng về dự lễ rất đông.

Trong thời buổi kinh tế thị trường hôm nay, đình Dĩ An là nơi để người dân gần xa tìm về với những nét văn hóa truyền thống, là dịp để người dân thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân. Đầu năm 2011, đình đã được UBND tỉnh xếp hạng công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa. Đây không chỉ là vinh dự mà còn là niềm vui lớn đối với người dân phường Dĩ An hôm nay.

CẨM LÝ