Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone: Kết quả bước đầu
(BDO) Bắt đầu triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone từ quý IV năm 2014, đến nay đã thu được kết quả trong quá trình thực hiện. Mặc dù kết quả vẫn còn thấp so với chỉ tiêu được giao nhưng đây là sự cố gắng của các cán bộ y tế cũng như các sở, ngành liên quan…
Họp đánh giá kết quả điều trị cai nghiện các dạng chất thuốc phiện bằng Methadone tại Sở Y tế Ảnh: Q.NHƯ
Để thực hiện chương trình này, ngày 5-8-2014, UBND tỉnh đã có công văn về việc đẩy mạnh triển khai điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone gửi Sở Y tế, Công an tỉnh cùng các sở, ngành liên quan. Theo đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghiện và gia đình họ. UBND tỉnh cũng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhanh chóng xác nhận đơn điều trị của những người có nhu cầu… Trên cơ sở tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong phối hợp thực hiện lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong quý I/2015, giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu, đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các điều, khoản trong quy chế phối hợp giữa các ngành trong việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Quá trình thực hiện, các đơn vị cũng đã chủ động triển khai ngay những nhiệm vụ thuộc chức năng của mình để bảo đảm việc tiếp nhận đối tượng được thuận lợi. Tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ về điều trị cắt cơn nghiện ma túy; sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị Trung tâm Giáo dục - lao động - tạo việc làm, thành lập cơ sở điều trị Methadone TP.TDM và phân công cán bộ y tế chuyên trách về công tác này… Các đơn vị kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các kiến nghị, giải pháp để công tác phát hiện, lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc được thực hiện đồng bộ và thống nhất.
Mới đây, đoàn công tác của Cục Phòng, chống HIV/AIDS do ông Phạm Đức Mạnh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS làm trưởng đoàn cũng đã đến làm việc về công tác điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc Mathadone tại Bình Dương. Theo báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh, hiện số người nghiện ma túy đang quản lý tại cộng đồng và trường, trại, cơ sở giáo dưỡng toàn tỉnh là 2.143 người. Người nghiện ma túy thường cư trú không cố định, gây khó khăn cho công tác tiếp cận cũng như cung cấp các dịch vụ phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS, cai nghiện bằng Methadone. Chỉ tiêu được Cục Phòng, chống HIV/ AIDS giao cho Bình Dương điều trị 800 người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay, cơ sở Methadone đã điều trị cho 111 ca, dự kiến trong năm 2015 điều trị cho 140 người nghiện. Nhiều nguyên nhân không đạt trong đó có người nghiện chưa nắm bắt thông tin, một số trường hợp không đồng ý điều trị cai nghiện bằng Methadone bởi không muốn người khác biết về tình trạng của mình…
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Phương, bác sĩ điều trị cai nghiện các dạng chất ma túy bằng Methadone tại cơ sở điều trị của TP.TDM thì bước đầu, phương pháp này đạt kết quả khá tốt cho những người kiên trì điều trị. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân tuân thủ tốt, không xảy ra trường hợp ngộ độc hay quá liều Methadone. Một số tác dụng phụ như đổ mồ hôi nhiều, dị ứng, táo bón… Những thuận lợi trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ở trung tâm có thể kể đến như: Bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt, cán bộ ở cơ sở nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía gia đình bệnh nhân. Sau khi điều trị thuốc Methadone, nhiều bệnh nhân đã giảm hoặc ngưng sử dụng chất gây nghiện. Đặc biệt, người nghiện có trạng thái ổn định và tự kiểm soát được bản thân… Bác sĩ Thanh Phương cũng đưa ra một số khó khăn như chương trình mới triển khai trong thời gian ngắn, nhiều người nghiện chưa biết đến, bệnh nhân còn sử dụng heroin trong quá trình điều trị, ma túy dễ mua nên việc tái sử dụng rất dễ xảy ra…
Đánh giá về công tác cai nghiện các dạng chất thuốc phiện bằng Methadone, ông Phạm Đức Mạnh cho rằng, lãnh đạo Bình Dương rất quan tâm về vấn đề trên. Ông cũng chỉ ra những điều còn hạn chế trong quá trình thực hiện, đề nghị khắc phục các khó khăn để giúp người nghiện cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng, tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Điều quan trọng là giúp người nghiện cai nghiện tốt, có ý chí vươn lên, có việc làm với thu nhập ổn định để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai 1 cơ sở Methadone ở Phú Giáo và 1 ở TX.Dĩ An. Khi các cơ sở này đi vào hoạt động sẽ nâng cao việc điều trị bằng Mathadone cho người nghiện, góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh nhằm đưa chương trình này đạt hiệu quả cao hơn…
QUỲNH NHƯ