“Điều trị” lạm phát cần có biện pháp ngắn, trung và dài hạn

Thứ năm, ngày 05/05/2011

“... Lạm phát ở Việt Nam cứ đi rồi lại đến ngay lập tức. Đi là bởi vì thắt chặt tiền tệ nhưng nó đến ngay lập tức bởi khi nền kinh tế bắt đầu đi xuống lại bơm tiền ra. Bơm tiền ra kém hiệu quả, lạm phát quay trở lại... Do đó, trong ngắn hạn, “sốt” thì phải hạ “sốt”, nhưng về trung, dài hạn phải tăng cường thể lực, tăng cường chất lượng tăng trưởng, hiệu quả của nền kinh tế. Đấy là những biện pháp căn cơ để làm cho lạm phát không khứ hồi” - tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Chủ nhiệm chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright  bình luận.

Tạo sức hấp dẫn cho tiền đồng

Phân tích về chính sách quản lý ngoại tệ thời gian qua, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhìn nhận: Lãi suất huy động tiền đô-la hiện đang bị chặn ở mức 3%. Điều này có nghĩa thanh khoản tiền đô-la của các ngân hàng sẽ giảm bởi đô-la sẽ không còn được người dân gửi nhiều vì lãi suất thấp. Tuy nhiên, nhìn vào tốc độ tăng trưởng tín dụng tiền đồng trung bình 30 - 40%, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng tiền đô-la bao giờ cũng gấp 5 - 7 lần, cụ thể ở thời điểm này khoảng 9 - 10%. Như vậy, trên thực tế người ta vẫn đang đi vay đô-la!

 

Nền kinh tế kém hiệu quả, nguồn cơn của lạm phát. Trong ảnh: Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Bình Dương (Ảnh: T.Đồng)

Một thực tế khác, tiền đô-la đang giảm giá so với các đồng tiền khác như euro, yên Nhật. So với các đồng tiền mạnh trên thế giới, đồng đô-la trong năm 2010 đã giảm giá khoảng độ 9%. Qua nhìn nhận như thế, sẽ có nhiều nhà đầu tư cho rằng, nên đi vay đô-la. Câu hỏi đặt ra là nếu tất cả mọi người đều đi vay đô-la, chuyện gì sẽ xảy ra? Đầu năm 2010, có rất nhiều người đi vay đô-la và tăng trưởng tín dụng tiền đô-la rất lớn. Đến lúc phải trả đô (thông thường 1 hợp đồng vay đô thường kéo dài từ 3 - 6 tháng), thì thị trường lại lên cơn sốt, tỷ giá lên, tạo ra một sức ép rất lớn đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đây là điều mà NHNN không bao giờ muốn. Bên cạnh đó, tài khoản vãng lai vẫn tiếp tục thâm hụt, chỉ số lạm phát cao tiếp tục tăng cao, thì sức ép phá giá đồng tiền Việt Nam vẫn còn, nhất là khi chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ còn cao như hiện nay. Lạm phát của Việt Nam năm nay dự báo ở khoảng 10 - 12%, Mỹ khoảng 2 - 3% chênh lệch 10%, nghĩa là sức ép phá giá đồng tiền Việt Nam còn tới 10% nữa.

Theo đó, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng, với các thực tế được phân tích trên, NHNN cần tránh tất cả những khe hở tạo ra một sự ưu ái quá mức đối với một đồng tiền nào đó, trong trường hợp này là đồng đô-la. Vì vậy, NHNN phải cố gắng tạo ra một sự chênh lệch đúng mức giữa lãi suất tiền đồng và đô-la, để tạo ra một sự hấp dẫn tương đối cho tiền đồng. Song song đó, phải bảo đảm lạm phát không quá cao. Hai điều kiện này phải đi đôi với nhau. Để làm được điều này, phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, thắt chặt chi tiêu.

Lạm phát: cần trị tận gốc

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh phân tích, trong 2 - 3 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng đầu tư của nền kinh tế rất cao. Cụ thể, mỗi năm Việt Nam đầu tư từ 40 - 42% GDP. Theo đó, tốc độ tăng trưởng cung tiền và tốc độ tăng trưởng tín dụng luôn luôn ở mức độ 30 - 40%/năm. Điều này làm cho sức ép đối với lạm phát ở Việt Nam là rất lớn.

Bên cạnh đó, do giá xăng dầu tăng, giá lương thực tăng, giá các dịch vụ giáo dục tăng và tới đây là giá lương cơ bản tăng, tỷ giá tăng sẽ kéo theo chi phí tăng, do vậy dẫn đến lạm phát tăng. Các chính sách mà Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 11 nhằm vào 2 nhóm chính sách lớn: Thắt chặt tài khóa, cắt giảm chi tiêu, cắt giảm đầu tư và giảm cung tiền, giảm tín dụng, tăng lãi suất. Về nguyên tắc, hai chính sách này là hai chính sách có tính tiêu chuẩn. Tuy nhiên, theo ông Anh, cần phải lưu ý, luôn luôn có khoảng cách nhất định giữa chính sách và thực tiễn.

 Cách mà NHNN hiện đang làm là giữ mức độ tăng trưởng tín dụng ở 20%, 20% này dành cho tất cả các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng. Điều đó có nghĩa là những ngân hàng mạnh, có mức độ rủi ro thấp, hoạt động lành mạnh cũng đang phải chịu chung một toa thuốc đắng với những ngân hàng tạo ra rủi ro cho nền kinh tế. Đây là điều không hợp lý. Điều quan trọng là phải phân loại được các ngân hàng thành các nhóm, những ngân hàng lành mạnh thì mức độ tăng trưởng tín dụng không nên giới hạn ở mức 20%; trong khi đó những ngân hàng yếu kém thì thậm chí 10% cũng không được và phải đưa vào trong dạng kiểm soát đặc biệt. Cũng giống như việc uống thuốc chữa bệnh, phải tùy người chứ không phải vì một người bệnh mà bắt cả làng uống thuốc như hiện nay - ông Anh bình luận.

Thứ nữa, theo ông Anh, căn nguyên sâu xa của lạm phát không nằm ở chính sách tiền tệ, mà ở chính sách tài khóa, đầu tư quá mức, nền kinh tế kém hiệu quả. Ông Anh ví von: “Nền kinh tế của Việt Nam có thể tưởng tượng như cái pin điện thoại, khi pin chai rồi thì phải sạc rất lâu thì mới dùng được và chỉ dùng một lúc thì lại hết pin”. Tương tự như thế, Việt Nam kêu gọi rất nhiều đầu tư vào, nhưng hiệu quả đầu tư lại không cao. Đấy là nguyên nhân tại sao ICOR của Việt Nam lại cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với các nước trong khu vực...

Ông Anh cho rằng, cơ cấu của nền kinh tế bản thân nó đã có vấn đề, nếu không giải quyết tận gốc cái kém hiệu quả của nền kinh tế thì không thể nào tăng trưởng cao mà không gây lạm phát. Tăng trưởng cao chỉ có thể không gây lạm phát nếu như đồng tiền được sử dụng hiệu quả, nếu không thì chắc chắn gây lạm phát. Đây là căn nguyên, căn bản của kinh tế Việt Nam nên cần phải có biện pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Ngắn hạn là “sốt” thì phải hạ “sốt”, nhưng về trung và dài hạn phải tăng cường thể lực.

Với nền kinh tế là tăng cường chất lượng tăng trưởng, hiệu quả của nền kinh tế mới là những biện pháp căn cơ để làm cho lạm phát không “khứ hồi”. Lạm phát ở Việt Nam cứ đi rồi lại đến ngay lập tức. Đi là bởi vì thắt chặt tiền tệ  nhưng nó đến ngay lập tức bởi khi nền kinh tế bắt đầu đi xuống lại bơm tiền ra. Bơm tiền ra kém hiệu quả, lạm phát quay trở lại. Cứ như thế nó tạo thành cái vòng luẩn quẩn và trên thực tế tạo ra biết bao nhiêu là những bất trắc cho doanh nghiệp và cho xã hội nói chung - ông Anh phân tích.

Trước diễn biến tình hình lạm phát như hiện nay, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng, trong quý 2, CPI vẫn chưa thể giảm, đồng thời dự báo, lạm phát của Việt Nam chỉ có thể giảm đi trong quý 3 nếu như các chính sách cắt giảm chi tiêu, đầu tư và chính sách thắt chặt tiền tệ như tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ thực sự đi vào cuộc sống.

THÀNH SƠN

Khó dùng biện pháp hành chính để quản lý

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng, các biện pháp hành chính nhằm tác động đến tài sản của người dân, sớm hay muộn cũng sẽ tạo ra những biến dạng khác trên thị trường. Trên thực tế, các giao dịch vẫn có thể xảy ra nhưng với chi phí cao hơn. Trong thời gian qua, khi mà tỷ giá bên trong và bên ngoài ngân hàng thu hẹp lại, rất nhiều người diễn giải câu chuyện này là do biện pháp có tính hành chính của Chính phủ. Nhưng nếu nhìn vào chính sách thắt chặt tiền tệ, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới việc chênh lệch tỷ giá thu hẹp lại là do các biện pháp thắt chặt tiền tệ chứ không phải do các biện pháp hành chính. Những năm 1986-1987, tình hình thị trường vàng và đô-la cũng diễn ra hoàn toàn giống như hiện nay và Nhà nước đã tìm mọi cách để chặn việc kinh doanh vàng, kinh doanh đô-la nhưng không thành công. Trong thời điểm  đó, người dân có ít vàng và đô-la mà Nhà nước còn không thể chặn được hoạt động này. Trong bối cảnh hiện nay, tại Việt Nam ước lượng có thể có tới 1 ngàn tấn vàng, đô-la thì có thể có tới 50 - 70 tỷ, kể cả ở trong ngân hàng và ngoài ngân hàng. Với số lượng lớn như thế, so với năm 1986 -1987 lớn hơn gấp nhiều lần. Do vậy dùng biện pháp hành chính trong những năm 1985-1986 mà không được thì chẳng có lý do gì để dùng biện pháp hành chính trong thời điểm này...