Điều trị bệnh nhân Covid-19 trong trạng thái “bình thường mới”
(BDO) Trong điều kiện “bình thường mới”, kiểm soát an toàn, hiệu quả dịch bệnh Covid-19, Bình Dương tiếp tục nâng cao năng lực điều trị tuyến cơ sở, sắp xếp lại các khu cách ly, điều trị, duy trì số giường bệnh phù hợp với cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Y tế TP.Tân Uyên
Nâng cao năng lực điều trị tuyến cơ sở
Bà Nguyễn Thị Cau, 62 tuổi, ở phường An Thạnh, TP.Thuận An đi khám bệnh phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Qua khám sàng lọc, cán bộ y tế Phòng khám Đa khoa khu vực An Thạnh đã quyết định cho bệnh nhân cách ly, điều trị tại nhà. Bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 nhưng triệu chứng ở mức độ nhẹ (không có dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu oxy) lại không có bệnh nền, không béo phì, minh mẫn, tiêm đủ các mũi vắc xin tăng cường nên đã đồng ý cách ly, điều trị tại nhà theo hướng dẫn của y, bác sĩ phòng khám. Với sự trợ giúp của lực lượng y tế phòng khám đa khoa cùng sự cố gắng của bản thân, sau 7 ngày cách ly, điều trị, bệnh nhân đã âm tính với vi rút. Bà Nguyễn Thị Cau gọi điện đến số điện thoại đường dây nóng cảm ơn y, bác sĩ đã tận tình giúp đỡ mình khỏi bệnh.
Bà Nguyễn Thị Cau là một trong số rất nhiều trường hợp y, bác sĩ không thực hiện cách ly, điều trị tại cơ sở y tế mà hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà. Thời gian qua, công tác điều trị tại nhà đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm tải cho tuyến trên và hạn chế tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, tử vong. Hiện toàn tỉnh còn hơn 70 bệnh nhân cách ly, điều trị tại nhà. Mỗi ngày tỉnh tiếp nhận từ 5 - 6 bệnh nhân nhiễm Covid-19 điều trị tại cơ sở y tế nhưng cũng điều trị thành công, cho xuất viện 7 bệnh nhân/ngày.
Bác sĩ Huỳnh Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thuận An, cho biết: “Các địa phương đang thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2, thu thập thông tin bệnh nhân có bệnh lý, bệnh nền từ hộ gia đình, lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà, phân chia theo các nhóm nguy cơ; đồng thời đánh giá các nguy cơ chuyển bệnh nặng, chuyển tuyến kịp thời. Ngoài ra, các trạm y tế còn hướng dẫn các trường hợp F0 tại nhà dùng thuốc đúng chỉ định, đúng thời điểm, theo dõi, giám sát điều kiện cách ly tại nhà và tình trạng chăm sóc, dinh dưỡng của F0”.
Bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Hầu hết các ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng đã được kiểm soát, số ca mắc mới chủ yếu được phát hiện tại các cơ sở y tế và qua sàng lọc cộng đồng. Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, các địa phương bố trí nhân lực, cơ sở vật chất đầy đủ, bảo đảm vật tư, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Đánh giá phân loại mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh nhân Covid-19 là khâu quan trọng nhằm phân luồng, xử trí cấp cứu kịp thời người bệnh. Hàng ngày, các cơ sở điều trị tại tầng 1, tầng 2 đánh giá nguy cơ, theo dõi sát diễn biến bệnh lý, phát hiện kịp thời các dấu hiệu diễn biến nặng của từng người bệnh, xử trí cấp cứu tại chỗ, liên hệ chuyển viện và bảo đảm chuyển viện kịp thời, an toàn, hạn chế tối đa tử vong”. (Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế) |
Trong điều kiện bình thường mới, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chủ động chuẩn bị các cơ sở cách ly, điều trị F0 trên địa bàn tỉnh. Nguyên tắc chuẩn bị là bảo đảm 20% bệnh nhân Covid-19 thuộc tầng 2 của tháp điều trị/tổng số ca nhiễm theo dự báo. Các cơ sở điều trị này phải bảo đảm đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, nhân sự đáp ứng 2% bệnh nhân Covid-19 thuộc tầng 3. Các khu điều trị tuyến huyện, thị, thành phố tiếp nhận điều trị cho cho những bệnh nhân không triệu chứng và những bệnh nhẹ. Để nâng cao năng lực điều trị, các địa phương đang khẩn trương sắp xếp hoàn thành hệ thống điều trị tại tầng 1, tầng 2, đầu tư thêm trang thiết bị để đảm nhận điều trị cả bệnh nhân nhẹ, bệnh nhân nặng.
Để bảo đảm điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết sở đã chỉ đạo các đơn vị y tế chủ động rà soát, có phương án bổ sung, bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu, hồi sức tích cực, vật tư tiêu hao, phương tiện, trang thiết bị y tế cho các tầng điều trị. Tầng 1 bảo đảm tối thiểu có chai oxy khí đáp ứng nhu cầu xử trí cấp cứu cho người bệnh thở oxy qua mặt nạ, thở oxy gọng kính. Tầng 2 bảo đảm tối thiểu có máy thở oxy dòng cao, máy thở không xâm nhập, chai oxy khí, bình oxy lỏng, đường khí nén, đường hút áp lực, dàn hóa hơi để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, hồi sức tích cực cho người bệnh thở oxy dòng cao, thở máy không xâm nhập cho người bệnh tiến triển nặng. Tầng 3 bảo đảm tối thiểu có máy thở oxy dòng cao, máy thở không xâm nhập và xâm nhập, bồn oxy lỏng, đường khí nén, đường hút áp lực, dàn hóa hơi, bình oxy lỏng và chai oxy khí để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, hồi sức tích cực cho người bệnh nặng và nguy kịch.
HOÀNG LINH