Điều tiết phương thức quản lý, đảm bảo nguồn thu ngân sách Trung ương

Thứ sáu, ngày 25/05/2018

(BDO)  

(Ảnh minh họa: Nguyên Linh/TTXVN)

Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 và Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Chia sẻ ý kiến bên lề phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần có những điều tiết về phương thức quản lý, nhằm phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo nguồn ngân sách Trung ương.

Triển vọng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội

Báo cáo cho thấy, thời gian qua kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%.

Một trong những “điểm sáng” của nền kinh tế đất nước được đề cập là tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I năm 2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Điểm nổi bật là cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ: nông nghiệp được mùa, tăng 4,05% (cùng kỳ 2,08%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% (cùng kỳ 4,48%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 13,56%; dịch vụ tăng 6,7% (cùng kỳ 6,36%)…

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, kết quả tăng trưởng kinh tế-xã hội năm 2017, đầu năm 2018 được cử tri rất vui mừng và kỳ vọng, tạo đà cho bước phát triển tiếp theo.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng, kết quả trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế năm 2017 đạt thành tích vang dội, 12/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, tốc độ tăng trưởng đột phá, lạm phát được kiểm soát.

Nền kinh tế tăng trưởng đồng đều và khởi sắc ở nhiều lĩnh vực, trong đó có công nghiệp chế biến và chế tạo là một tín hiệu rất đáng mừng.

Ghi nhận những kết quả tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm 2018 ở mức cao nhất trong 10 năm qua (đạt 7,38%), đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn cho rằng, những tháng tiếp theo của năm 2018 vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Nhiều tổ chức tài chính quốc tế dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2018 ít nhất đạt trên 6,5%, mở ra triển vọng có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích, GDP bình quân trong 10 năm (từ năm 2008 đến nay) tăng trưởng ở mức 6,06% nên kết quả tăng trưởng năm 2017 là rất đáng trân trọng.

Đà tăng trưởng này tiếp tục được duy trì trong quý I năm 2018, lên tới 7,38%, trong khi mức tăng trưởng bình quân trong quý I của 10 năm qua chỉ là 5,36%.

Theo các đại biểu, tăng trưởng kinh tế năm qua có phần đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp. Vì vậy cần nhấn mạnh hơn vai trò và đóng góp của doanh nghiệp để người dân, cộng đồng doanh nghiệp thấy được năng lượng tích cực, tạo đà cho sự phát triển.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ thời gian tới cần quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận và thực hiện các dự án, công trình của địa phương.

Đảm bảo nguồn thu ngân sách Trung ương

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng trưởng kinh tế- xã hội vượt chỉ tiêu, trong khi nguồn thu ngân sách Trung ương lại không đảm bảo, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, hiện nay, việc quản lý về thuế không thể giữ lại phương thức truyền thống như trước đây thông qua hóa đơn, chứng từ.

Xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 và thương mại điện tử đòi hỏi phương thức quản lý phải thay đổi, không dừng lại ở quản lý văn bản mà còn phải có cách quản lý khoa học hơn.

Nói cách khác, Chính phủ không đặt ra các điều kiện để các doanh nghiệp phải đi theo mà Chính phủ cần đưa ra những biện pháp ứng phó để quản lý được những phát sinh rất mới nảy sinh trên thị trường, từ đó làm tốt công tác thu thuế.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay, trước đây, thu ngân sách Trung ương phụ thuộc vào rất nhiều các doanh nghiệp lớn, trong đó có phần lớn là doanh nghiệp nhà nước.

Hiện nay, Chính phủ đang trong xu thế cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, như vậy rõ ràng đóng góp của các doanh nghiệp này cho nhà nước sẽ thay đổi.

"Chúng ta phải thay đổi phương thức quản lý nguồn thu. Một phần điều chỉnh lại tỷ lệ điều tiết giữa các nhóm, thay đổi phương thức, cách thức quản lý thu để không xảy ra tình trạng kinh tế tăng trưởng nhưng lại không đảm bảo nguồn thu," đại biểu nhấn mạnh.

Đề cập đến việc, thời gian qua, Bộ Tài chính đề xuất tăng các loại thuế trong nước để đảm bảo thu ngân sách nhận được nhiều ý kiến phản đối của người dân, đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định, việc thay đổi hệ thống thuế là quá trình tất yếu, tuy nhiên phải xuất phát từ mục tiêu của việc thay đổi nhằm mục đích gì.

Nếu hướng đến mục tiêu thay đổi hệ thống thuế chỉ để tăng thu ngân sách, rõ ràng sẽ nhận được sự phản đối của dư luận. Nhưng nếu cải cách hệ thống thuế để điều tiết tốt hơn những đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh, tạo ra sự công bằng cho những người cùng kinh doanh, hoặc sẽ phân phối lại nguồn thu, tài sản sẽ dễ đạt được sự đồng thuận trong nhân dân.

Đồng tình với ý kiến này, nhiều đại biểu cho rằng hiện nay việc thu thuế trong hoạt động kinh doanh còn nhiều bất cập. Những người có giấy phép đăng ký kinh doanh tại chỗ đang nộp thuế đều đặn theo quy định của pháp luật.

Nhưng hiện nay có nhiều cá nhân kinh doanh qua mạng Internet với quy mô lớn lại không bị đánh thuế đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí bất công.

"Thực tế, nhiều người đang sở hữu khối tài sản rất lớn, đặc biệt là đất đai, nhà ở. Chính phủ phải áp dụng chính sách điều tiết để hạn chế việc sở hữu quá nhiều tài sản, tạo cơ hội những người yếu thế có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với đất đai, từ đó sự ủng hộ của người dân cũng tăng lên và việc đảm bảo nguồn thu ngân sách Trung ương cũng sẽ thành công," đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ./.  

Theo TTXVN