Diệu kỳ những mầm xanh ở Trường Sa

Thứ sáu, ngày 26/01/2018

(BDO) Có dịp đến Trường Sa và dùng bữa cơm đạm bạc với các cán bộ chiến sĩ (CBCS) ở đây, chúng tôi mới thấm thía ý nghĩa của câu nói “rau xanh là thuốc, nước là máu”. Bởi ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, việc trồng và chăm sóc rau phát triển không phải đơn giản mà cần phải có sự nỗ lực, kiên trì của mỗi CBCS.


Chiến sĩ chăm sóc vườn rau xanh vừa tạo mảng xanh, vừa để cung cấp thực phẩm cho CBCS trên đảo

Kỳ công

Trong chuyến công tác thăm, tặng quà và chúc tết quân dân ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi có dịp cùng các CBCS đảo Đá Lớn A chăm sóc “Vườn rau thanh niên” rộng khoảng 20m2 của đảo. Chiến sĩ Nguyễn Thạc Quang cẩn thận trồng những cây mồng tơi vào khay đất. Vừa tưới nước cho những cây xong, Quang kéo tay áo lau những giọt mồi hôi đang lăn dài trên khuôn mặt đen sạm vì nắng biển và nói như tâm sự: Sau cơn bão số 12 vừa qua chúng tôi may mắn giữ được vườn rau. Hiện giờ, chúng tôi “dặm” lại những khay đã thu hoạch để có rau ăn lai rai. Tuy nhiên, để những cây mới trồng sống và phát triển không phải dễ, vì cây xanh không chỉ hứng chịu những con sóng cao từ 3m đến 7m mà còn có những cơn gió cuốn theo nước biển mặn chát gây hại cho cây”.

Theo các CBCS đảo Đá Lớn A, trồng rau xanh ở đảo chìm rất kỳ công, nhất là việc làm mái che phải vừa đủ cao và kín để che chắn gió biển nhưng vẫn phải có ánh mặt trời để cây phát triển. Những mảnh bạt, những tấm gỗ… được các chiến sĩ khéo léo tận dụng làm bờ rào che chắn cho rau tránh được gió và sóng biển. Việc tưới rau cũng được CBCS duy trì đều đặn sáng và chiều để vừa cung cấp nước cho cây, vừa rửa trôi muối biển bám vào cây.

Đặc biệt vào những ngày ít mưa, nước ngọt khan hiếm, các CBCS trên đảo chắt chiu từng ca nước để tưới cây. Không những thế, CBCS còn phải thường xuyên theo dõi thời tiết qua tivi hoặc rút kinh nghiệm của bản thân để kịp thời di chuyển các khay rau đến nơi an toàn. Vì vậy, “Vườn rau thanh niên” nơi đây còn được gọi là “vườn rau di động”. Nếu gặp gió mùa Tây Nam, CBCS lại chuyển vườn rau về phía Đông Bắc. Khi tới mùa gió Đông Bắc thổi, CBCS lại di chuyển vườn rau về vị trí cũ. Vào những tháng mưa bão, CBCS phải mang cả vườn rau vào chỗ ngủ trong nhiều ngày. Nhiều khi thời tiết thay đổi bất thường, chỉ cần gặp một trận gió, đợt sóng là rau héo quắt. Những lúc như thế phương án ủ giá đỗ là giải pháp tạm thời trong lúc các CBCS khôi phục lại vườn rau. Ở các đảo chìm, cách làm giá đỗ để giải quyết bài toán rau ăn cho CBCS rất phổ biến.

Chia sẻ thêm về “Vườn rau thanh niên” trên, đại úy Nguyễn Bá Hùng, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn A, cho biết nhằm cải thiện bữa ăn hàng ngày, nhiệm vụ tăng gia sản xuất được thực hiện song song với nhiệm vụ luyện tập, sẵn sàng chiến đấu. Vì thế, sau những giờ tập luyện căng thẳng, các chiến sĩ trên đảo được phân công tăng gia sản xuất, trong đó có trồng và chăm sóc rau xanh. “Trong đất liền, mọi người thường nói “dễ như mua rau ngoài chợ” nhưng ở đảo chìm, rau được chúng tôi “yêu rau như con, quý như máu” vì ở đây có tiền cũng không mua được rau. Mỗi cây mồng tơi, lá cải… là tâm huyết và tình cảm của mỗi anh em trong đơn vị. Phải sống ở đây mới thấy trong bữa cơm rau xanh quý giá như thế nào”, đại úy Hùng chia sẻ.

Mầm xanh giữa biển khơi

Ghé thăm xã đảo Sinh Tồn, chúng tôi thấy khá nhiều loại rau được trồng xen kẽ dưới tán cây bàng vuông, phong ba, dừa… Phát hiện nhiều luống rau muống đã lớn nhưng chưa được cắt, chúng tôi hỏi các CBCS, các anh trả lời vui: “Đây là những luống rau để chiêu đãi đoàn công tác”. Để chuẩn bị cho bữa cơm đón năm mới, chúng tôi cùng một số CBCS đảo Sinh Tồn làm nhiệm vụ hái rau. Chúng tôi đưa tay định cắt hết một bụi rau muống xanh mướt thì bị các anh can ngăn lại. Theo các anh, vì việc chăm sóc rau quá gian nan nên quá trình thu hoạch cũng theo phương châm tiết kiệm. Theo đó, nếu là rau muống thì người hái phải tỉ mỉ dùng dao cắt những cọng rau mập mạp nhưng không quá gần gốc để cây tiếp tục nảy chồi, còn những cây nhỏ được để dành lại cho đợt sau. Đối với rau cải, người hái sẽ tỉa từng lá phía dưới gốc để nấu chứ không cắt cả cây. Khi cây phát triển tiếp, ra thêm lá sẽ lại tỉa tiếp những lá dưới gốc. Cứ thế cho đến khi nào cây cải trổ ngồng thì mới thu hoạch toàn bộ. Lúc này thân cây cũng khá to, CBCS sẽ tận dụng cả phần thân chứ không chỉ ăn lá, ăn hoa. Thân cải sẽ được tước vỏ, phần lõi chẻ ra nấu canh hoặc luộc cùng với các loại rau khác. Rau mồng tơi thì thường để leo dây dài rồi tỉa lá dần dần…

Ngồi nâng niu từng cọng rau muống xanh mướt, trung tá Đoàn Sơn Nam, Chính trị viên đảo Sinh Tồn, cho biết việc trồng rau ở đảo nổi có thuận lợi hơn đảo chìm nhưng cũng không dễ dàng và chiến sĩ phải tuân thủ chặt chẽ những quy trình về tăng gia sản xuất để bảo đảm hiệu quả nhất. Những vật liệu để xây dựng tường bao quanh, đất gieo trồng, thùng nhựa, phân bón, giống cây… đều phải chuyển qua một hải trình dài ngày từ đất liền ra. “Ở đảo rau như là món ăn đặc sản vậy, nó quý hơn cả cơm, thịt hay hải sản. Việc tăng gia sản xuất không chỉ giúp cho anh em cải thiện bữa ăn hàng ngày mà còn đem đến màu xanh, sự sống trên đảo. Mỗi lúc trồng, chăm sóc rau cũng giúp anh em cảm thấy được gần gũi hơn với đất liền, vơi bớt đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Từ đó quyết tâm chắc tay súng gìn giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, trung tá Nam chia sẻ.

Lung linh sắc hoa ở Trường Sa

Trước khi đi Trường Sa, chúng tôi đã biết đến loài hoa bàng vuông khoe sắc và tỏa hương về ban đêm. Hoa bàng vuông nơi đây đã trở thành thương hiệu độc nhất vô nhị ở Trường Sa và là biểu tượng cho cái đẹp bất diệt về tình yêu, sự vượt khó, niềm tin, lòng trung thành với Tổ quốc. Nhưng khi lần lượt ghé các đảo nổi Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông đến các đảo chìm như Đá Lớn, Len Đao… chúng tôi rất bất ngờ khi gặp những loài hoa khác đẹp chẳng kém hoa bàng vuông.


Hoa bàng vuông khoe sắc về đêm

Trung tá Đoàn Sơn Nam, Chính trị viên đảo Sinh Tồn, đưa chúng tôi đi một vòng quanh đảo, chúng tôi thấy sự hiện diện của hoa giấy, hoa mười giờ, hoa chiều tím ở nhiều nơi. Cũng như ở các gia đình và đơn vị trong đất liền, hoa và cây cảnh được trồng trong chậu đặt trước cửa nhà, ở lối đi và được chăm sóc rất cẩn thận. Càng đến gần Tết Nguyên đán, hoa ở đảo càng nở rộ và thi nhau khoe sắc, làm cho thiên nhiên vốn khắc nghiệt nơi đây trở nên tươi vui và có hơi thở của đất liền. Điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất là trên đảo có sự hiện diện của hoa phong lan với nhiều loại như Vũ Nữ, Long Nhãn, Hồ Điệp… Trung tá Nam cho biết những chậu lan này do nhân dân cả nước gửi tặng cho CBCS đảo. “Do chúng tôi có ít kinh nghiệm trồng hoa lan nên những ngày đầu một số chậu lan phát triển èo uột, không trổ hoa. Ngoài này không có than củi nên chúng mới nghĩ ra cách dùng những cành bàng vuông, phong ba khô xen kẽ với xơ dừa lót dưới chậu. Chúng tôi thường dùng nước vo gạo để tưới cây nên hoa nở đều, nhất là những ngày cận tết. Sau giờ làm nhiệm vụ, chúng tôi ngồi uống nước trà ngắm hoa lan là bao nhiêu khó khăn cũng vơi đi”, trung tá Nam tâm sự.

 

NGUYỄN HẬU