Điều kỳ diệu trên quê hương tôi
(BDO) Năm 1975, khi tôi được 8 tuổi thì đất nước hòa bình, miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Hơn 10 năm sau, cuộc sống người dân TX.Thủ Dầu Một nơi tôi sinh ra và lớn lên cũng còn nhiều gian nan, vất vả lắm. Tuy không còn ăn cơm độn khoai, không còn thắp đèn dầu học bài nhưng đời sống tinh thần của người dân vẫn còn khá nghèo nàn. Cả xóm chỉ có một vài nhà có tivi, nếu hôm nào tivi nhà hàng xóm không mở để tiết kiệm điện, người lớn thì ra sân trải chiếu nằm nghe radio, thanh thiếu niên thì tụm năm, tụm ba quanh gốc cây dầu ngoài lộ ngồi nói chuyện vu vơ.
Nhiều năm tiếp theo, khi tôi lập gia đình và có con nhỏ, thỉnh thoảng có dịp nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần, thậm chí vào các buổi chiều tối sau ngày làm việc, tôi muốn đưa các con đi vui chơi, hóng mát ở đâu đó thật sự rất khó vì chẳng biết tìm đâu ra công viên sạch đẹp, trong lành ngay trong lòng thị xã của mình.
Nay thì mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi một cách kỳ diệu. Trên các tuyến đường dọc, ngang của TP.Thủ Dầu Một như Cách Mạng Tháng Tám, Thích Quảng Đức, Huỳnh Văn Lũy, Nguyễn Văn Tiết, Huỳnh Văn Cù…, các công viên đồng loạt xuất hiện như có phép lạ với rất nhiều cây xanh, ghế đá, dụng cụ tập thể dục…, giúp người dân thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Khoảng 5 năm trở lại đây, TP.Thủ Dầu Một đã có gần trăm công viên diện tích từ 100-300m2 hình thành từ các khu “đất vàng” vốn là các trụ sở Nhà nước được di dời. Sắp tới đây, thành phố sẽ tiếp tục hình thành thêm công viên có diện tích hơn 5.000m2. Đây là công viên nằm trong quỹ “đất vàng” tiếp giáp mặt tiền của 3 tuyến đường chính là Cách Mạng Tháng Tám - Ngô Quyền - Quang Trung với tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để phục vụ nhu cầu giải trí của người dân. Điều này hàng bao nhiêu năm qua thật sự tôi chỉ dám mơ ước.
Giờ đã bước qua tuổi chớm già, chiều nào tôi cũng dành hơn một giờ đồng hồ đi tản bộ ở các công viên trong thành phố để được hít thở không khí trong lành, được nghe tiếng chim ríu rít trên cành, được trò chuyện và rèn luyện sức khỏe với các dụng cụ tập thể dục cùng những người bạn đồng niên gặp gỡ tình cờ; được nhìn ngắm những đứa trẻ xinh xắn, dễ thương hớn hở vui cười, lon ton chạy theo ông bà, cha mẹ ra công viên chơi các trò chơi.
Hôm nào trời mưa hoặc có công việc rời xa thành phố vài ngày, không thể đến công viên tập thể dục như mọi ngày là tôi cảm thấy nhớ, một nỗi nhớ rất riêng và rất lạ, như thể nhớ người mình yêu. Phải chăng tôi đã “phải lòng” TP.Thủ Dầu Một nhỏ xinh này mất rồi.
Hiện nay, sáng chủ nhật hàng tuần tôi luôn đón xem chương trình “Tôi yêu Bình Dương” trên Báo Bình Dương điện tử được mở đầu với bài nhạc hiệu vui tươi, phấn khởi: “Từ miền xa ta đến nơi đây. Gặp lại nhau trên mảnh đất này. Bình Dương ơi thân quen biết mấy. Bình Dương quê mình đây rồi” để được hiểu thêm về đất và người Bình Dương, để yêu thương và trách nhiệm hơn với mảnh đất nơi tôi đang sinh sống. Và tôi hiểu rằng, những kỳ tích như ngày hôm nay có được là nhờ công lao, mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của biết bao thế hệ đi trước đã đổ xuống, vì vậy càng phải nâng niu và trân quý mảnh đất này.
Báo Bình Dương đang phát động cuộc thi tác phẩm báo chí về chủ đề “Tôi yêu Bình Dương” lần 2 - năm 2023. Để biết thêm thông tin chi tiết về cuộc thi, mời quý độc giả quét mã QR:
|
MINH HOÀNG