“Điều kỳ diệu”
“Thoát khỏi HIV/AIDS thật là điều kỳ diệu!”. Bệnh nhân AIDS đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi căn bệnh thế kỷ đã nói như thế với báo chí ngày 24-7 tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 19 về bệnh AIDS.
Timothy Ray Brown (ảnh), được gọi là “bệnh nhân Berlin”, người Mỹ gốc Đức, đã trở thành tâm điểm của hội nghị khi sau 2 lần được cấy ghép tủy, không còn virus HIV trong cơ thể. Câu chuyện của ông Brown đã trở thành một đề tài được tranh luận sôi nổi và gây sự tò mò cho rất nhiều nhà chuyên môn lẫn những người quan tâm đến bệnh AIDS tại hội nghị đang diễn ra ở Washington.
Xuất hiện với vẻ khá yếu ớt, nhưng Brown vẫn tự hào vì những gì mình đã trải qua để đến được với thành công hôm nay. Ông cho rằng mình là “bằng chứng sống”, là tia hy vọng của hàng triệu bệnh nhân đang mang căn bệnh thế kỷ, từng bị mọi người kỳ thị, xa lánh.
Năm 18 tuổi, chàng sinh viên Brown công khai mình là người đồng tính và sau đó không lâu xét nghiệm đầu tiên phát hiện dương tính với HIV vào năm 1995 và ông biết mình chỉ sống thêm 2 năm nữa. Kể từ đó, ông đều đặn dùng thuốc kháng virus mỗi ngày và dung nạp thuốc rất tốt. Năm 2006, ông Brown lại phát hiện mình bị thêm ung thư máu trắng.
Trong lúc gần như tuyệt vọng nhất, ông đã gặp TS Gero Huetter, một chuyên gia về ung thư máu tại ĐH Y Berlin. Giáo sư Huetter đã thực hiện cách điều trị hoàn toàn mới, đó là tiêu diệt toàn bộ hệ thống miễn dịch của Brown bằng tia xạ và rồi cấy tế bào gốc tủy xương từ một người hiến tặng được cho là có khả năng miễn dịch với virus HIV do có đột biến gene của protein CCR5. Đây là một loại protein được xem là cánh cổng cho virus HIV đi vào cơ thể và nếu như một người bị khiếm khuyết protein này sẽ miễn dịch tự nhiên với HIV.
Nhưng những người này rất hiếm, chỉ có khoảng 1% dân số Bắc Âu khuyết protein CCR5. Việc ghép tủy đã được thực hiện năm 2007 do nhóm các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa San Francisco và Trung tâm Y tế San Francisco tại ĐH California (UCSF) thực hiện.
Ca cấy ghép tủy xương thứ hai được thực hiện vào năm 2008 và cũng sử dụng lại tế bào gốc có từ người hiến tặng năm 2007. Đây là quy trình điều trị tốn kém và rất khó để áp dụng theo quy mô lớn. Tuy nhiên sau ca điều trị thành công này, câu chuyện của bệnh nhân Brown đã trở thành điểm tựa cho các nhà khoa học tin rằng căn bệnh thế kỷ từ nay có thể chữa trị được.
Brown không phải là bệnh nhân duy nhất thử qua liệu pháp cấy tế bào gốc có nhiều nguy cơ gây rủi ro. Tuy nhiên, ông là người duy nhất sống sót cho đến nay. Sự kiện của ông Brown cũng trở thành đề tài gây nhiều tranh cãi bởi vẫn còn nhiều nhà khoa học cho rằng cơ thể của ông vẫn còn virus HIV và vẫn có khả năng lây nhiễm cho những người khác.
Khi được hỏi ông có cảm thấy đây là một phép lạ không, Brown ngập ngừng trả lời: “Thật khó nói. Nó phụ thuộc vào niềm tin của bạn, nếu bạn muốn tin rằng đó là nhờ vào y học hoặc đó là một sự can thiệp của Chúa. Tôi sẽ nói đó là cả hai”.
Sau khi được chữa khỏi, Brown cũng cho biết ông muốn lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu điều trị bệnh HIV/AIDS. Ông nói: “Có rất nhiều nhà khoa học không thể tiếp cận với các quỹ dành cho nghiên cứu. Và tôi muốn thay đổi điều đó. Vẫn còn rất nhiều nhà nghiên cứu sẵn sàng làm việc hết sức mình để tìm ra phương thuốc chữa bệnh AIDS hữu hiệu nhất”.
Theo SGGP