Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động
(BDO) Ngày 1-11-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 143/2024/NĐ- CP quy định về bảo hiểm tai nạn (BHTN) lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Theo đó, Điều 5 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, quy định về điều kiện hưởng chế độ BHTN lao động tự nguyện, như sau:
- Người lao động đang tham gia BHTN lao động tự nguyện được hưởng chế độ BHTN lao động tự nguyện quy định tại Điều 4 Nghị định 143/2024/ NĐ-CP khi có đủ các điều kiện sau đây: Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia BHTN lao động tự nguyện; Không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 143/2024/NĐ-CP .
- Người lao động không được hưởng các chế độ tai nạn lao động tại Điều 4 của Nghị định 143/2024/NĐ-CP nếu tai nạn xảy ra do một trong các nguyên nhân sau: Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động; Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; sử dụng chất ma túy, chất gây nghiện trái quy định của pháp luật.
Theo Nghị định 143/2024/NĐ-CP, thời hạn giải quyết hưởng chế độ BHTN lao động tự nguyện như sau: Người lao động hoặc thân nhân người lao động bị nạn nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 22 Nghị định 143/2024/NĐ-CP cho cơ quan bảo hiểm xã hội đã đăng ký tham gia BHTN lao động tự nguyện trong thời hạn như sau: 30 ngày, kể từ ngày nhận được Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; 90 ngày kể từ ngày người lao động đang đóng BHTN lao động tự nguyện bị chết.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ BHTN lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản cho người nộp hồ sơ và nêu rõ lý do.
Nghị định 143/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.
L.T.PHƯƠNG