Điêu đứng với phí

Chủ nhật, ngày 25/03/2012

Những thông tin mới nhất từ Bộ GTVT cho biết bộ này quyết thu phí bảo trì đường bộ vào tháng 6 và quyết thu phí hạn chế phương tiện cá nhân đang khiến các chủ sở hữu phương tiện cá nhân, đặc biệt là giới kinh doanh vận tải “mất ăn, mất ngủ”.

  Thu phí lưu thông qua cầu Phú Mỹ

Lúc này, đi bất cứ đâu cũng nghe người ta bàn luận về “rừng phí” của ngành GTVT. Đặc biệt, giới kinh doanh vận tải, phí trở thành chữ ám ảnh họ. Anh Nguyễn Quốc Hưng, lái xe taxi Thành Hưng cho biết: “Bất kể một loại chi phí nào làm tăng đầu vào đều khiến chúng tôi lo lắng, xăng chỉ tăng mỗi lần có 1.000 - 2.000 đồng/lít nhưng bài toán lỗ lãi phải tính nát óc. Lần này lại đưa ra 2 loại phí một lúc với mức “khủng” như vậy không khác nào gí dao vào cổ chúng tôi”.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói thêm, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra dẫn chứng, với 50 đầu container đang kinh doanh, nếu phải đóng ngay 6 tháng Quỹ bảo trì đường bộ với mức 1,44 triệu đồng/tháng, họ sẽ phải đóng một lúc 432 triệu đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ đối với doanh nghiệp trong thời điểm kinh doanh khó khăn như hiện nay. Chúng tôi đã có đơn kiến nghị giảm mức thu quỹ bảo trì đường bộ năm đầu tiên xuống 40%. Với phí hạn chế phương tiện cá nhân thì áp lực sẽ còn nặng nề hơn nhiều.

Ví dụ với các doanh nghiệp taxi, nếu mỗi xe phải chịu thêm 20 triệu đồng phí hạn chế phương tiện/năm và 2 triệu đồng phí bảo trì đường bộ/năm thì mỗi doanh nghiệp có vài trăm xe sẽ phải bỏ ra một khoản tiền cực kỳ lớn mà lợi ích thu về lại rất mơ hồ. Cước taxi chắc chắn phải tăng nên người dân sẽ rất đắn đo khi dùng taxi. Như vậy, không chỉ số phận doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mà cả ngàn lao động và hàng vạn lượt khách hàng của taxi cũng “chết” chùm theo.

Đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội phản ứng khá gay gắt khi Bộ GTVT định danh xe của các doanh nghiệp vận tải, trung tâm đào tạo… thuộc loại phương tiện cá nhân. Dù những “đỉnh cao trí tuệ” ở Bộ GTVT có “thay tên, đổi họ” phí lưu hành phương tiện thành phí hạn chế phương tiện cá nhân thì bản chất không có gì thay đổi, doanh nghiệp vẫn điêu đứng trước các loại phí mới. Thậm chí, việc đổi tên phí lại còn khiến các doanh nghiệp vận tải thấy vô lý hơn. Tại sao lại xem taxi là phương tiện cá nhân, khi phải đóng thuế doanh nghiệp và đang thực hiện hàng loạt nghĩa vụ đối với nhà nước?

Cùng bức xúc với các doanh nghiệp vận tải Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, tỏ ý lo ngại sức khỏe của các doanh nghiệp vận tải khi chịu thêm các loại phí mới. Nếu các đề xuất thu phí của Bộ GTVT được chấp thuận, tới đây một chiếc xe sẽ phải “cõng” hàng chục thứ phí.

Hiện nay ở Hà Nội mức phí trước bạ đối với ô tô chở người là 20%, lệ phí cấp biển số ô tô 20 triệu đồng. Nếu một chiếc xe bình thường có giá 400 triệu đồng, chỉ tính riêng hai khoản phí này đã tốn 100 triệu đồng. Muốn lăn bánh mỗi năm phải đóng 20 triệu đồng phí lưu hành, khoảng 2 - 16 triệu đồng cho quỹ bảo trì đường bộ, rồi hàng loạt những khoản phí khác như phí xăng dầu 1.000 đồng/lít, phí bình ổn giá xăng dầu 500 đồng/lít, thuế môi trường 1.000 đồng/lít, phí kiểm định, phí bảo hiểm… chắc chắn doanh nghiệp sẽ “rụng” như sung vì bị phí bủa vây. Kể cả khi các doanh nghiệp tăng giá các dịch vụ vận tải thì khó khăn vẫn chồng chất bởi giá thành tăng làm giảm sức tiêu dùng.

Từ thực tế đó, nhiều hiệp hội đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại tất cả các loại phí, vì hiện nay sức khỏe cộng đồng doanh nghiệp vốn không khỏe lắm. Trước mắt, nên dời thời hạn thu và giãn các loại phí, không tập trung vào một thời điểm…

Theo SGGP