Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu: Tiến tới thu hẹp khoảng cách về giới
(BDO)
Nữ cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh hưởng ứng Tuần lễ mặc áo dài
Mức tăng phù hợp và cần thiết
Theo dự thảo nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu, bắt đầu từ năm 2021 sẽ điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Trong điều kiện lao động bình thường, độ tuổi lao động của nam và nữ sẽ điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và lao động nữ mỗi năm tăng thêm 4 tháng cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035. Cụ thể như với lao động nữ sinh từ tháng 1-1966 đến tháng 8-1966 sẽ đủ tuổi nghỉ hưu vào năm 2021 và tuổi nghỉ hưu sẽ là 55 tuổi 4 tháng; lao động nữ sinh từ tháng 9-1966 đến tháng 4-1967 sẽ đủ tuổi nghỉ hưu vào năm 2022 và tuổi nghỉ hưu sẽ là 55 tuổi 8 tháng. Đối với lao động nam sinh từ tháng 1-1961 đến tháng 9-1961 sẽ đủ tuổi nghỉ hưu vào năm 2021 và tuổi nghỉ hưu sẽ là 60 tuổi 3 tháng; lao động nam sinh từ tháng 10-1961 đến tháng 6-1962 sẽ đủ tuổi nghỉ hưu vào năm 2022 và tuổi nghỉ hưu sẽ là 60 tuổi 6 tháng. Cũng theo dự thảo nghị định quy định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn cũng được thực hiện theo lộ trình, nhưng không quá 5 tuổi. Trong khi đó, dự thảo cũng quy định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn gồm cán bộ, công chức nữ giữ 10 nhóm chức vụ, chức danh.
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng dự thảo nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu rất linh hoạt, có tầm nhìn dài hạn và lộ trình phù hợp với người lao động. Ở đối tượng suy giảm sức khỏe, suy giảm lao động, lao động trong điều kiện nặng nhọc không tăng tuổi hưu mà còn giảm tuổi hưu xuống 5 năm. Trong khi đó, lực lượng lao động có trình độ cao như các giáo sư, phó giáo sư, những người làm việc trong một số ngành nghề đặc biệt như tòa án, kiểm sát... thì tận dụng tối đa trình độ, kinh nghiệm, kéo dài tuổi lao động thêm 5 năm.
Thu hẹp khoảng cách giới trong tuổi hưu
Trong dự thảo nghị định, vấn đề các sở, ngành, doanh nghiệp, người dân trong tỉnh quan tâm là mục tiêu tiến tới thu hẹp khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chia sẻ: “Hiện phụ nữ nghỉ hưu ở tuổi 55, sớm hơn 5 năm so với nam. Điều này thể hiện sự bất bình đẳng khiến phụ nữ được đào tạo ít hơn, được thăng tiến ít hơn, nhận thu nhập thấp hơn trong khoảng cách 5 năm tuổi nghỉ hưu. Vì nghỉ hưu sớm hơn, phụ nữ phải nhận lương hưu thấp hơn cho cùng công việc với nam giới”.
Đề cập đến mục tiêu bình đẳng giới trong tuổi hưu, bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: “Dự thảo nghị định quy định tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 nhằm thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu của nam và nữ xuống còn 2 năm thay vì 5 năm như trước. Về vấn đề này thì một số người lao động có tâm lý không muốn phải tăng thêm thời gian làm việc, nhưng thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu của nam và nữ là cần thiết để thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, đồng thời tạo tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới sở sẽ tổ chức phổ biến, tuyên truyền các quy định mới về tuổi nghỉ hưu cũng như các vấn đề về chính sách cho lao động nữ để người dân nói chung và người lao động nói riêng nắm rõ các quy định này”.
KIM HÀ