Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng: Doanh nghiệp phải điều chỉnh mức đóng bảo hiểm cho người lao động
(BDO) Thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ về lương tối thiểu vùng, bên cạnh tăng lương cho người lao động (NLĐ), các doanh nghiệp (DN) còn phải thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động cho NLĐ. Qua đó, BHXH tỉnh vừa có hướng dẫn cụ thể để các DN không lúng túng về vấn đề này.
Chậm nhất đến ngày 25-8, các doanh nghiệp phải nộp hồ sơ điều chỉnh mức đóng BHXH cho NLĐ theo mức lương mới
DN phải nhanh chóng đăng ký mức đóng BHXH cho NLĐ
BHXH tỉnh vừa có hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động thực hiện đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (gọi chung là BHXH) kể từ ngày 1-7 căn cứ theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho địa bàn tỉnh Bình Dương là mức lương tối thiểu vùng I, tương ứng 4.680.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu giờ là 22.500 đồng/giờ.
Riêng các đơn vị, DN có NLĐ làm việc tại các chi nhánh hoạt động trên các địa bàn tỉnh khác có mức lương tối thiểu vùng khác nhau (đang đóng BHXH tại công ty mẹ ở tỉnh Bình Dương), tùy thuộc vào nơi hoạt động của chi nhánh ở địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng đối với địa bàn đó theo đúng quy định. Ví dụ, DN A (là công ty mẹ) có trụ sở chính tại TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương, có chi nhánh B thuộc địa bàn vùng II và công ty mẹ đang đóng BHXH cho 10 lao động của chi nhánh này tại BHXH TP.Thuận An thì 10 lao động này được áp dụng mức lương tối thiểu vùng II.
Đối với NLĐ đang hưởng lương theo các hình thức trả lương khác (theo tuần, theo ngày, theo sản phẩm, lương khoán) thì mức lương đang trả theo các hình thức trả lương này quy đổi theo tháng hoặc theo giờ, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ do Chính phủ quy định. Đơn vị sử dụng lao động thực hiện đóng BHXH theo mức lương tháng.
Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho NLĐ so với quy định tại Nghị định số 38/2022/ NĐ-CP thì tiếp tục được thực hiện. Trong đó, có chế độ tiền lương trả cho NLĐ làm công việc hoặc chức danh qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Phi Hiền, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, chậm nhất đến ngày 25-8, các đơn vị sử dụng lao động phải nộp hồ sơ điều chỉnh mức lương đóng BHXH cho NLĐ theo lương tối thiểu mới (nếu có) kể từ tháng 7-2022. Quá thời hạn trên mà đơn vị chưa điều chỉnh, cơ quan BHXH sẽ tạm thời điều chỉnh mức lương đóng BHXH bằng mức lương tối thiểu vùng mới đối với tất cả NLĐ đang được đóng BHXH thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới. Cơ quan BHXH chỉ xác nhận quá trình đóng và giải quyết các chế độ khi đơn vị lập hồ sơ điều chỉnh lương tối thiểu đúng quy định trên.
Mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Về mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phía BHXH tỉnh cho biết, theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1-7- 2021 đến hết ngày 30-6-2022). Do đó, từ ngày 1-7-2022, đơn vị sử dụng lao động (đang được giảm mức đóng theo quy định trên) thực hiện đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 25-5-2020 quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Ông Nguyễn Phi Hiền cho biết thêm, BHXH tỉnh đã có văn bản hướng dẫn, đề nghị các đơn vị sử dụng lao động thực hiện đúng hướng dẫn trên để bảo đảm quyền lợi BHXH cho NLĐ. Mọi trường hợp chậm trễ làm ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ của NLĐ đơn vị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
QUANG TÁM